Hơn 11.000 thí sinh đua tìm suất vào đại học
Hơn 11.000 thí sinh dự đợt một kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) để lấy kết quả xét tuyển vào khoảng 90 trường.
Sáng 23/3, khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội đông đúc phụ huynh, thí sinh đến thi đánh giá năng lực. Đây là đợt thi HSA đầu tiên trong năm nay, diễn ra tại 8 điểm thi ở Hà Nội, Thái Bình và Nam Định. So với đợt đầu của năm ngoái, số thí sinh nhiều gần gấp ba, chủ yếu dự thi tại Hà Nội.
Cùng bố lên Hà Nội từ sáng sớm, Nguyễn Thu Hiền, học sinh Trường THPT Quỳnh Thọ, tỉnh Thái Bình, giữ tâm trạng thoải mái. Từng làm đề tham khảo, Hiền đoán có thể đạt khoảng 90/150 điểm, đủ để xét vào Đại học Thương mại hay Kinh tế quốc dân.
10 giờ 30, sau hơn ba tiếng làm bài, Hiền phấn khởi rời khỏi khu vực thi, cười tươi với bố vì đạt 104/150 điểm. "Em không ngờ mình có thể đạt mức điểm này", Hiền nói.
Bài thi HSA được làm trên máy tính trong 195 đến 199 phút, điểm tối đa là 150. Thí sinh biết điểm ngay sau khi làm bài.
Đề gồm ba phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án), câu hỏi điền đáp án ở lĩnh vực toán học (50 câu, 75 phút), văn học - ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu, 60 phút). Phần 1 và 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm, không tính điểm.
Hiền đánh giá đề thi không quá khó. Các câu hỏi chủ yếu ở mức thông hiểu và vận dụng, rất ít câu hỏi ở mức vận dụng cao. Vì vậy, học sinh nắm chắc kiến thức là có thể làm được. Với phần toán học, Hiền đạt 41 điểm, văn học - ngôn ngữ 38 và phần còn lại được 25.
"Như đề của em, các câu hỏi về lịch sử, vật lý và hóa học tương đối dễ ăn điểm", Hiền nhận định.
Đạt 93/150 điểm, Đỗ Mạnh, học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng, nói đề thi có độ khó đúng như dự đoán của em.
Học tập trung vào các môn thuộc tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh), Mạnh đã tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ đầu năm lớp 12 và tham gia một khóa học online để ôn riêng kỳ thi này, song song với tự ôn tập.
So sánh với đề thi tốt nghiệp những năm trước, Mạnh cho rằng đề HSA không có nhiều câu đánh đố bằng nhưng độ khó đồng đều hơn. Như với phần toán, các câu hỏi chủ yếu ở mức vận dụng, chỉ có 1-2 câu vận dụng cao.
Phần văn học - ngôn ngữ, Mạnh đạt 42 điểm, cao nhất trong ba phần của bài thi. Ngữ liệu trong phần này là các tác phẩm quen thuộc trong sách giáo khoa như "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Đất nước" cùng nhiều đoạn văn ngắn với chủ đề đa dạng.
Riêng phần khoa học tự nhiên - xã hội, Mạnh đánh giá đề hỏi rộng, cá nhân em khó nắm bắt hết kiến thức để làm tốt phần này.
Còn Trần Tiến Mạnh, học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà, Lào Cai, đánh giá đề thi bao phủ lượng kiến thức rất rộng với nhiều câu hỏi liên quan đến thực tế, đặc biệt phần hóa học và toán.
"Với em, đề thi khá lạ ở cả cách đặt vấn đề và dạng bài nên em không làm được nhiều. Em cũng mất điểm ở các câu hỏi liên quan đến các môn khoa học xã hội do không tập trung học phần này", Mạnh nói. Nam sinh đạt 78 điểm, chưa đủ điều kiện nộp hồ sơ vào Khoa Hoá học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2015 và 2016, sau đó dừng đến năm 2021 mới mở trở lại. Năm nay, kỳ thi chia thành 6 đợt với số chỗ dự kiến khoảng 103.000, cao nhất từ trước đến nay.
Các địa điểm thi đặt tại 11 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hiện, 90 trường cho biết sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đầu vào. Trong đó, 17 trường quân đội lần đầu sử dụng điểm kỳ thi này.
Năm ngoái, hơn 90.000 thí sinh đăng ký, số dự thi là 87.000, thủ khoa đạt 133/150 điểm. Mức điểm sàn nhận hồ sơ theo phương thức này của các trường phổ biến từ 70 tới 85 điểm.
Cả nước hiện có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trong đó, kỳ thi của hai đại học quốc gia có quy mô lớn nhất. Năm ngoái, số thí sinh trúng tuyển và nhập học theo kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy chiếm tỷ lệ 2,57%.