Văn hóa - Giải tríThời vàng son của nghệ sĩ Minh Vương, Lệ ThủyHQ (theo VnExpress) • 22/03/2024 21:30Nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy gắn bó suốt 50 năm với loạt vở tuồng "cháy" vé, trở thành cặp song ca huyền thoại của cải lương.Minh Vương (phải) và Lệ Thủy năm 1964, thuở cả hai mới vào nghề. Lúc này, Minh Vương mới đoạt giải "Khôi nguyên vọng cổ" ở tuổi 14, còn Lệ Thủy là cô đào sáng giá với giải Thanh Tâm - danh hiệu cao quý trong làng sân khấu.Hôm 16/3, cặp nghệ sĩ tái hợp trong liveshow đầu tiên của Minh Vương tại Nhà hát Bến Thành, TP Hồ Chí Minh. Dịp này, Minh Vương ôn lại các cột mốc trong 60 năm đời ca hát, nhất là quá trình song ca với Lệ Thủy.Lần diễn chung đầu tiên, do ngoại hình và kinh nghiệm của Minh Vương còn non so với Lệ Thủy, cả hai được giao vai mẹ con trong vở "Thượng phương bảo kiếm". Hai năm sau, họ mới đóng vai tình nhân khi ông bầu Long lập đoàn Kim Chung 5, đưa Minh Vương về làm kép nhì cho Minh Phụng.Đôi nghệ sĩ trên sân khấu Kim Chung 5 - gánh hát lớn một thời. Chất giọng trong trẻo, vang sáng của Minh Vương hòa quyện tự nhiên cùng âm sắc "thổ" đặc trưng của Lệ Thủy, giúp tên tuổi cả hai vụt sáng. Ông dần thay thế Minh Phụng, trở thành bạn diễn ăn ý nhất của Lệ Thủy với các vở "Đêm lạnh chùa hoang", "Tô Ánh Nguyệt", "Nửa đời hương phấn", "Máu nhuộm sân chùa".Minh Vương, Lệ Thủy trong tuồng "Tô Ánh Nguyệt". Lệ Thủy diễn thành công vai Nguyệt, lột tả nỗi đau của người phụ nữ phải trao con cho người yêu để về báo hiếu mẹ bệnh nặng. Còn Minh Vương thể hiện trọn vẹn nhân vật Minh, từ thời trẻ đến lúc già với những day dứt trong chuyện tình cảm. Cặp sao sân khấu cho biết nhiều đêm diễn của họ từng tạo cơn sốt đến mức "vé chợ đen cũng không có mà bán", khán giả xếp hàng dài trước rạp Trần Hưng Đạo, quận 5.Minh Vương, Lệ Thủy trong vở "Đời cô Lựu" - tác phẩm ghi dấu của đôi nghệ sĩ thập niên 1980, khi về đoàn cải lương 284. Ông đóng vai Luân, người con thất lạc của cô Lựu (Bạch Tuyết), còn bà vào vai Kim Anh, em gái cùng mẹ khác cha. Phân cảnh Kim Anh lén cha (Hội đồng Thăng) bán số nữ trang để có tiền cho anh trang trải cuộc sống cơ cực, từng gợi nhiều xúc động cho khán giả.Ngoài các vở tuồng, cả hai là tên tuổi ăn khách trên thị trường đĩa nhựa với loạt bản tân cổ kinh điển. Bản nhạc đầu tiên Minh Vương - Lệ Thủy thu âm trên đĩa là "Bánh bông lan" của soạn giả Loan Thảo. Nhạc phẩm kể về chàng trai, trong một lần đi xe về miền Tây, đã phải lòng cô gái bán bánh chịu thương, chịu khó. Mỗi lần về tỉnh, anh đều tìm mua bánh của cô. Sau khi ra mắt, bản thu nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây, trở thành ca khúc đóng đinh "thương hiệu" Minh Vương - Lệ Thủy.Thập niên 1990, khi xu hướng video cải lương lên ngôi, họ tiếp tục là "liên danh" được yêu thích. Lệ Thủy cho biết không đếm nổi số MV tuồng cổ, tân cổ giao duyên cả hai đóng chung. Năm 2008, họ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu "Đôi nghệ sĩ cải lương đóng chung lâu năm và ưng ý nhất", dựa trên chuỗi thành tựu: quay video cải lương đầu tiên và nhiều nhất, thu âm và phát hành album ca cổ nhiều nhất.Minh Vương, Lệ Thủy cuối thập niên 2000, khi chung tay xây dựng "Sân khấu vàng" - chương trình cải lương xã hội hóa, vừa là sân chơi cho các nghệ sĩ vừa tạo nguồn quỹ làm từ thiện. Họ dựng lại nhiều tác phẩm kinh điển "Tô Ánh Nguyệt", "Đoạn tuyệt", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Tình mẫu tử". Tuy nhiên, vài năm sau, chương trình ngừng vì thiếu nhà tài trợ, không đủ thù lao chi trả cho diễn viên.Đôi nghệ sĩ trong hậu trường liveshow "Minh Vương - Khôi nguyên vọng cổ" hôm 16/3. Minh Vương cho biết những năm gần đây hạn chế các lời mời ca hát do tuổi cao, sức khỏe dần sa sút, nhưng ông luôn sẵn lòng kết hợp Lệ Thủy trong các chương trình. "Tôi thường nói với Lệ Thủy, mình còn sức ngày nào ráng biểu diễn ngày đó, đáp lại ân tình khán giả suốt 50 năm qua", giọng ca gạo cội nói. HQ (theo VnExpress)