Lý do Trung Quốc âm thầm tăng cường xây dựng ảnh hưởng ở Trung Á
Trung Á đang nổi lên như một tuyến đường phụ giữa Trung Quốc và châu Âu khi các công ty phải đi vòng quanh châu Phi để duy trì các liên kết thương mại giữa châu Á và châu Âu.
Các sự kiện gần đây ở Biển Đỏ sẽ chỉ làm tăng sự chú ý của Trung Quốc vào Trung Á sau khi các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu chở hàng thương mại buộc các công ty phải đi vòng quanh châu Phi để duy trì các liên kết thương mại giữa châu Á và châu Âu.
Theo nhân định của Emil Avdaliani, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học châu Âu ở Tbilisi, Georgia và là học giả về Con đường Tơ lụa trên trang web của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) ngày 20/2, trong khi phương Tây đang bận tâm đến sự hỗn loạn ở Trung Đông và Nga đang vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine thì Trung Quốc đang âm thầm tiến vào trung tâm Á-Âu.
Thương mại giữa Trung Quốc và Trung Á đã tăng lên 89 tỷ USD vào năm 2023, tăng khoảng 27% so với năm trước. Hơn 60 tỷ USD trong tổng số đó là hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Thương mại của Trung Quốc gia tăng với mọi quốc gia Trung Á ngoại trừ Turkmenistan. Kazakhstan có giao dịch trị giá 41 tỷ USD với Trung Quốc, tăng gần 1/3 vào năm 2022, trong khi Tajikistan chứng kiến mức tăng 50% lên 3,9 tỷ USD.
Các nhà ngoại giao của Bắc Kinh cũng đang bận rộn ký kết các thỏa thuận và xây dựng ảnh hưởng trong khu vực. Danh sách các thỏa thuận với Trung Quốc rất lớn về tài chính và phạm vi. Mối quan hệ của Uzbekistan đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện “trong mọi điều kiện” sau chuyến thăm của Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tới Bắc Kinh vào tháng 1 vừa qua và hai nước cam kết tăng thương mại song phương lên 20 tỷ USD từ 14 tỷ USD vào năm 2023.
Uzbekistan cũng thảo luận về các sáng kiến năng lượng xanh với Trung Quốc, nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Có tiềm năng rất lớn cho các công ty Trung Quốc ở Trung Á và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Uzbekistan, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, lĩnh vực mà nước này cho biết đã tăng gấp 5 lần dù không xác định khoảng thời gian cụ thể.
Quá trình phát triển diễn ra sau các thỏa thuận được ký vào tháng 5/2023 nhằm xây dựng các cơ sở có tổng công suất 6 gigawatt, tương ứng với khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 5 tỷ USD - 6 tỷ USD.
Hai nhà máy quang điện đang được xây dựng ở khu vực Bukhara và Kashkadarya, mỗi nhà máy có công suất 500 megawatt, trong khi chính quyền khu vực Samarkand đã đặt mua 100 xe buýt điện từ Yutong, một nhà sản xuất Trung Quốc, trong một thỏa thuận trị giá 62 triệu USD trong vòng 3 năm.
Các hợp đồng này đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của Trung Quốc sau nhiều năm đầu tư tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất và khai thác tài nguyên quy mô lớn theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tổng thống Uzbekistan Mirziyoyev cũng đã đến thăm Thâm Quyến để tham quan trụ sở của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, công ty sẽ hợp tác sản xuất xe hỗn hợp/lai (hybrid) và xe điện ở khu vực Jizzakh của Uzbekistan. Liên doanh hợp tác với UzAuto sẽ giúp mở rộng ngành công nghiệp ô tô của Uzbekistan và số lượng dự kiến sẽ đạt tới 300.000 xe mỗi năm.
Trung Quốc cũng tham gia vào việc sản xuất ô tô chung ở Kazakhstan, khi Trung Á ngày càng trở thành nhà sản xuất xuất khẩu cho các mẫu xe Trung Quốc – nhiều chiếc sau đó được gửi sang Nga.
Các sự kiện gần đây ở Biển Đỏ sẽ chỉ làm tăng sự chú ý của Trung Quốc vào Trung Á sau khi các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu chở hàng thương mại buộc các công ty phải đi vòng quanh châu Phi để duy trì các liên kết thương mại giữa châu Á và châu Âu.
Mặc dù cuộc khủng hoảng gây ra sự chậm trễ và chi phí tăng cao, nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Á như một tuyến đường phụ giữa Trung Quốc và châu Âu.
Bắc Kinh cam kết đẩy nhanh dự án đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan (CKU) trong chuyến thăm của Tổng thống Mirziyoyev, trong một động thái sẽ giúp Trung Quốc có một tuyến đường thẳng vào trung tâm Trung Á, vòng qua Nga.
Mặc dù vẫn còn phải xem xét tính hiệu quả của hành lang này nhưng tuyến đường sắt CKU là một phần không thể thiếu trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng.
Hoạt động gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực có những tác động vượt xa đầu tư và thương mại song phương. Trung Quốc ngày càng trở thành hình mẫu cho các quốc gia Trung Á khi nói đến các phương pháp giám sát và thực thi pháp luật.
Ví dụ, Uzbekistan, vào năm 2019, đã ký thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Huawei để thiết lập các hoạt động giám sát tại quốc gia này. Hơn nữa, Tập đoàn CITIC Trung Quốc và Tập đoàn COSTAR cũng tham gia vào khuôn khổ thúc đẩy sáng kiến giám sát Thành phố An toàn gây tranh cãi của Uzbekistan.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đang triển khai chương trình cơ sở hạ tầng "Global Gateway" (Cửa ngõ Toàn cầu) của mình tới khu vực, nhưng chương trình này lại bắt đầu từ một vị trí kém thuận lợi hơn do khoảng cách địa lý. EU cũng nhấn mạnh vào cách tiếp cận nhân quyền, điều này không phù hợp với một số giới tinh hoa trong khu vực.
Tuy nhiên, một số bước tích cực đã được thực hiện. Vào cuối tháng 1/2024, EU tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 10,8 tỷ USD để phát triển 33 dự án giao thông bền vững ở Trung Á.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về vị thế của Nga trong khu vực, vốn đã bị chi phối đáng kể kể từ cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022.