Lắng nghe cha mẹ bằng cả trái tim
Tôi bỗng nhận ra rằng, không chỉ yêu thương một cách võ đoán, chủ quan, mình phải lắng nghe cha mẹ bằng cả trái tim.
Ai đến nhà, có lẽ nghĩ chúng tôi đối xử tệ bạc với mẹ. Tôi đi làm về mẹ chồng tất bật nấu cơm chờ sẵn, muốn ăn gì chỉ cần nói mẹ sẽ làm. Mẹ chỉ lo lắng nấu không hợp vị các con. Mẹ sẽ ăn cơm nguội và thức ăn thừa để con cháu ăn cơm nóng, đồ mới. Ăn xong, mẹ sẽ dọn, rửa hết. Chúng tôi đi chơi đi du lịch, mẹ ở nhà, trông vườn và chăm mèo.
Mà chúng tôi từng trải qua rất nhiều lần mất lòng nhau mới đạt đến "sự phân công nhịp nhàng" như vậy. Trước kia mỗi bữa cơm là tôi lại: mẹ ăn cơm nóng đi, cơm nguội để đấy. Mẹ ăn đồ mới đi, đồ thừa mẹ để đấy. Sao mẹ cứ phải khổ như thế, nhà mình có thiếu gì đâu! Đôi khi tôi còn giằng bát cơm nguội trên tay mẹ: để đấy con ăn. Còn mẹ giằng lại, để mẹ ăn, mẹ thích ăn cơm nguội. Bữa cơm nào cũng bắt đầu bằng đôi co, nhiều bữa đến mức bực dọc, mất cả vui.
Cuối cùng chồng tôi là người nhìn ra vấn đề: em cứ để mẹ ăn gì mẹ muốn, đừng giằng co nữa. Bây giờ gạo tốt, thức ăn ngon, cơm nguội ăn cũng không sao cả, miễn là mẹ thoải mái. Thế là từ đó tôi để mẹ ăn theo ý muốn.
Chúng tôi ở xa, mỗi năm mẹ đến chơi vài tháng, tôi rất muốn đưa mẹ đi khắp nơi, ăn nhà hàng, thăm đây thăm đó, nhưng lần nào rủ mẹ cũng lắc. Nghĩ mình đi để mẹ ở nhà thì không đành lòng, thế là cố thuyết phục. Mẹ chiều theo, đi mà không có vẻ gì là tận hưởng. Cũng vẫn là chồng tôi nhận ra và bảo: mẹ không thích đi, em cứ để mẹ ở nhà, có vẻ mẹ thoải mái hơn.
Khác với mẹ chồng, bố mẹ đẻ tôi được rủ đi du lịch, đi nhà hàng là vui vẻ tham gia cùng con cháu. Bố mẹ đến ở với chúng tôi, ông bà thiếu gì cần gì, tôi mua sắm ngay. Bố nói cuộc sống ở đây rất thích, như đi dưỡng lão.
Tưởng mọi việc như vậy là tốt đẹp. Nhưng rốt cuộc vẫn có gì đó không ổn. Bố mẹ hay cãi nhau, dường như ông bà buồn bã và thấy tẻ nhạt. Tôi đã nhiều lúc loay hoay không biết làm sao để chăm bố mẹ thật tốt, để bố mẹ hạnh phúc vui vẻ tuổi già.
Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề của riêng tôi. Khi xã hội phát triển, điều kiện vật chất để chăm sóc người già tốt hơn, nhiều đứa con đã làm mọi thứ họ nghĩ là tốt nhất cho bố mẹ. Nhưng dường như vẫn có điều gì đó không đúng, chưa đủ.
Tôi từng đọc một bài viết. Người viết kể, anh tới nhà một giáo sư ăn cơm. Ăn xong, người mẹ già đi dọn dẹp rửa bát. Anh ngạc nhiên lắm. Nhưng khi người mẹ đã đi ngủ, giáo sư mang bát ra, rửa lại và giải thích: mẹ già rồi, rửa không sạch, nhưng nếu không để bà rửa, bà sẽ cảm thấy vô dụng.
Người già, cũng như tất cả mọi lứa tuổi, để sống hạnh phúc cần được đáp ứng các nhu cầu của con người, ngoài nhu cầu an toàn (ăn uống, chỗ ở, tài chính), nhu cầu được yêu thương, nhu cầu giao tiếp xã hội, còn có nhu cầu được ghi nhận, cống hiến (để cảm thấy mình không vô dụng).
Tôi bỗng nhận ra rằng, không chỉ yêu thương một cách võ đoán, chủ quan, mình phải lắng nghe cha mẹ bằng cả trái tim.
Bố mẹ tôi tính cách hướng ngoại, nên giao lưu xã hội là điều rất quan trọng. Chúng tôi dù cố gắng chuyện trò cũng không thể thay thế các mối quan hệ của ông bà. Bố tôi thích họp hội hưu trí, thích tán gẫu với bạn bè thời chiến khu. Mẹ tôi thích hội nhảy công viên mỗi sáng, thích hội bạn cấp ba cùng đi chơi, đi du lịch.
Giai đoạn này, bố mẹ tôi vẫn khỏe, ông bà muốn ở quê hơn. Tuy phải xa con cháu, nhưng giờ đây Internet phát triển, chúng tôi vẫn có thể nói chuyện hỏi thăm bố mẹ thường xuyên. Và mỗi năm ông bà sẽ đến ở với chúng tôi vài tháng.
Mẹ chồng tôi hướng nội, mẹ chỉ còn một mình, nên cần nhiều yêu thương, quan tâm. Tôi đã chủ động ôm mẹ, nói yêu mẹ thường xuyên khi mẹ ở cạnh và khi mẹ ở xa tôi nhắn tin nói nhớ bà. Những lời này chân thành từ đáy lòng, chứ không hề là lời xã giao. Mẹ cũng đã ôm tôi và nói thương tôi, nhớ tôi.
Sống và chăm sóc bố mẹ già, không có nghĩa là "trói nhau" vào cùng một mái nhà và một cách vô thức "hành" nhau bằng những điều mà phía này cho là tốt cho phía kia. Yêu thương mà thiếu thấu hiểu và lắng nghe lại có thể biến thành nỗi mệt mỏi lâu dài.