Nhân viên cứu trợ, y tá Nhật Bản kiệt sức sau hơn 1 tháng xảy ra động đất
Công tác cứu hộ liên tục với cường độ làm việc quá tải đến kiệt sức khiến nhiều nhân viên tại khu vực Noto, tỉnh Ishikawa ở Nhật Bản muốn nghỉ việc.
Gần một tháng rưỡi kể từ khi trận động đất tấn công bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới, một số nhân viên cứu trợ cho biết họ không thể tiếp tục nếu điều kiện làm việc vẫn tiếp diễn như hiện tại. Bản thân nhiều người đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa và cần có các biện pháp khẩn cấp để giảm bớt gánh nặng về thể chất và tinh thần cho họ.
Khoảng 5.000 ngôi nhà ở thị trấn Noto bị hư hại trong trận động đất và 8 cư dân đã thiệt mạng vì thảm họa tính đến ngày 9/2.
Tại một phòng tập thể dục ở đất liền được chuyển thành trung tâm cứu trợ vào ngày 8/2, Toshihiro Tada - một công nhân thành phố 48 tuổi -bị vây quanh bởi những hộp các tông chở hàng cứu trợ. "Từ tháng 2, tôi bắt đầu chỉ được nghỉ một ngày trong tuần. Về nhà tôi không muốn dọn dẹp nên vẫn bừa bộn như lúc động đất xảy ra", ông nói.
Về nguyên tắc, nhân viên hỗ trợ có trách nhiệm khảo sát thiệt hại của các tòa nhà, nhưng nhân viên chính quyền thành phố Noto cần hướng dẫn họ. Ông Tada nói: "Có một số nhân viên đến làm việc từ các trung tâm sơ tán và nghỉ qua đêm tại tòa thị chính. Hoàn cảnh của tôi còn tốt hơn họ".
Một nhân viên khác (40 tuổi) thì để các con ở nhà ông bà ngoại và đi làm dù tủ bát ở nhà bị đổ còn chưa dọn. Ban đầu, cô vẫn tràn đầy năng lượng ngay sau trận động đất, nhưng gần đây lại cảm thấy chán nản vì tương lai không chắc chắn. Cô đã nghĩ đến việc xin từ chức.
Nữ nhân viên này nói: "Xét đến môi trường sống và giáo dục của trẻ em, có lẽ gia đình tôi nên chuyển đi nơi khác sống sẽ tốt hơn".
Tại Bệnh viện Thành phố Wajima -bệnh viện đa khoa duy nhất trong thành phố có 175 giường, khoảng 30 trong số 120 y tá cho biết họ có ý định sớm rời bỏ công việc. Theo Giám đốcKuniyuki Kawasaki, nhiều y tá đang ở độ tuổi từ 20 - 40 và đang nuôi con. Bệnh viện đang bận rộn với việc điều trị khẩn cấp, chuyển viện và các nhiệm vụ khác.
Bản thân ông Kawasaki đã tăng ca thêm khoảng 200 giờ trong tháng 1, trên cả mức được coi là làm việc đến kiệt sức ở Nhật Bản. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi hiện đang phải tự cầm cự vì nhiều người đã sơ tán ra ngoài thành phố và số bệnh nhân rất ít, nhưng điều quan trọng là phải duy trì các hoạt động chăm sóc y tế bình thường".
Tính đến ngày 10/2, một chiến dịch tìm cách giảm bớt gánh nặng cho nhân viên và những người khác do một trong những tình nguyện viên của trung tâm sơ tán bắt đầu đã thu được 32.000 chữ ký đồng tình.
Để đối phó với một loạt thảm họa trong quá khứ khiến nhân viên của các thành phố bị ảnh hưởng, đến mức phải nghỉ phép hoặc mắc bệnh tâm thần, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bảnđã thiết lập một hệ thống "hỗ trợ đối tác" vào năm 2018. Trong đó, một tỉnh hoặc thành phố lớn sẽ được chỉ định để hỗ trợ các đô thị bị thiên tai. Hệ thống này được đưa vào sử dụng trong trận mưa lớn và lũ lụt ở phía tây Nhật Bản vào tháng 7 cùng năm đó. Sau trận động đất ở bán đảo Noto, tổng cộng 1.160 người đã đến các khu vực bị ảnh hưởng theo hệ thống.
Saneyuki Udagawa, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Khoa học Trái đất và Khả năng phục hồi sau thảm họa, cho biết: "Không thể thay thế các nhà quản lý địa phương và một số vai trò cốt yếu khác, nhưng các khu vực khác nên được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhân viên tại vùng thiên tai khi cần thiết. Chúng ta cũng nên xem xét việc thuê thêm các dịch vụ tư nhân hỗ trợ, chẳng hạn như các công ty vận tải và công ty an ninh".