Bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Ham lời dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao", không ít người lao động Hải Dương xuất cảnh trái phép sang Lào, Campuchia, Myanmar… làm việc nhưng phải nhận trái đắng.
Sống trong sợ hãi
“Nơi làm việc của tôi ở Myanmar là một khu nhà cũ, gần bìa rừng, khá xa dân cư, được bảo vệ nghiêm ngặt, hàng rào thép có điện bao kín xung quanh. Cứ tưởng sang đây làm việc trong một doanh nghiệp thực sự, nào ngờ họ nhốt chúng tôi vào một căn hầm kín để tham gia vào đường dây lừa đảo trực tuyến. Mỗi ngày, tôi phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối và phải hoàn thành chỉ tiêu 20 triệu đồng. Nếu không đủ họ cắt giảm suất ăn, còn bắt tăng ca. Muốn bỏ trốn cũng khó vì bị canh phòng nghiêm ngặt”, anh N.V.T. quê ở một xã thuần nông của huyện Nam Sách kể cho chúng tôi nghe qua điện thoại về cuộc sống tại Myanmar. Trước đó, anh T. đã bị dụ dỗ sang Myanmar làm việc. Mặc dù đã được giải cứu về Việt Nam nhưng hiện anh T. không dám về nhà, cũng không muốn cung cấp cho bất cứ ai địa chỉ liên lạc của mình. Kể cả người nhà của anh T. cũng không muốn chia sẻ với chúng tôi thông tin. “Tôi rất sợ bọn chúng tìm đến nhà rồi làm khó người thân của mình”, anh T. chia sẻ.
Không may mắn như T. đã được về Việt Nam, một lao động khác tên C. ở huyện Tứ Kỳ vẫn đang tìm cách liên lạc với người nhà chờ giải cứu. Người nhà anh C. cho biết anh C. đã tìm nhiều cách liên lạc với người thân nhưng rất khó khăn. Nếu bị bọn chúng phát hiện thì sẽ nhừ đòn. Có lần anh C. gọi điện về nhà với giọng thảng thốt: “Mẹ ơi cứu con! Con bị lừa sang Campuchia, bị nhốt làm trong công ty lừa đảo. Nếu không có khách thì bị đánh, bị đói…". Người nhà của anh C. đã trình báo đến Công an huyện Tứ Kỳ để được hỗ trợ và đang rất lo lắng, mong một ngày anh C. được giải cứu về nhà.
Tại Hải Dương, không ít lao động ham chiêu trò mời gọi kiểu "việc nhẹ, lương cao" nên rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo. Có trường hợp đã bị mất mạng nơi xứ người.
Tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã nhận được đơn trình báo và phối hợp tìm cách giải cứu 2 người Hải Dương xuất cảnh trái phép sang Campuchia để sau đó tới Đài Loan làm việc trái phép. Nghe theo lời dụ dỗ của những đối tượng lừa đảo, 2 lao động ở TP Chí Linh đã tìm cách vượt biên sang nước bạn làm việc trái phép nhưng bị các đối tượng lừa đảo đánh đập dã man, thúc ép người nhà chuyển 500 triệu đồng tiền chuộc vào số tài khoản do chúng cung cấp.
Lợi dụng sơ hở của các đối tượng, anh N.V.T. đã trốn thoát về Việt Nam, còn anh H.V.M. phải bỏ mạng tại Campuchia.
Theo Công an tỉnh, thời gian gần đây, thông qua tìm việc làm trên mạng xã hội hoặc bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu, nhiều lao động Hải Dương đã sang Lào, Myanmar, Campuchia làm việc. Ban đầu, chúng đưa ra mức lương hấp dẫn mà người lao động có thể nhận được từ 800-2.000 USD/tháng (tương đương 20-50 triệu đồng/tháng) cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác mà không cần chuyên môn, bằng cấp. Thậm chí chúng còn hỗ trợ chi phí nhập cảnh và đi lại.
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người qua hình thức "việc nhẹ, lương cao" ngày càng tinh vi, có tổ chức. Chúng thường lập đường dây môi giới bài bản qua nhiều địa phương. Có trường hợp còn lợi dụng cả người nhà để lôi kéo người thân tham gia đường dây lừa đảo.
Sau khi nhập cảnh, lao động sẽ bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân và ép đi làm gái mại dâm, lao động cưỡng bức hoặc tham gia đường dây lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài. Lao động tìm cách bỏ trốn thì bị đánh đập dã man. Muốn về Việt Nam, người nhà nạn nhân phải bỏ ra một khoản tiền chuộc khá lớn lên đến vài trăm triệu đồng.
Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng người Hải Dương bị dụ dỗ xuất cảnh trái phép và sập bẫy lừa đảo việc làm ở nước ngoài. Cơ quan công an, ngành lao động, thương binh và xã hội cùng các địa phương đang nỗ lực phối hợp tuyên truyền, tìm hướng hỗ trợ gia đình nạn nhân, giải cứu lao động rơi vào bẫy lừa đảo trên khi có đơn trình báo.
Cảnh giác
Vì ham làm giàu nhanh, nhẹ dạ, cả tin nên nhiều người dễ rơi vào bẫy "việc nhẹ, lương cao", trở thành nạn nhân của đường dây mua bán người. Không chỉ nạn nhân bị bóc lột sức lao động, hành hạ, đánh đập tàn nhẫn mà còn khiến người thân sống trong lo âu, tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm, giải cứu. Thậm chí, người thân trong quá trình tự đi tìm kiếm lại có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm mua bán người.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các sở, ban, ngành và Ban Chỉ đạo 138 các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” đưa người lao động sang Lào, Myanmar, Campuchia làm việc. Người dân trong tỉnh tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các đối tượng lôi kéo, môi giới, tổ chức hoạt động xuất cảnh trái phép.
Người lao động Hải Dương cần nâng cao cảnh giác với những hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội hoặc những kênh không chính thống. Nếu người lao động có nhu cầu việc làm, hãy tìm hiểu thông tin ở các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm đã được cấp phép hoặc các doanh nghiệp được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để được bảo vệ quyền lợi, tài sản, tính mạng và bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký tuyển người lao động Hải Dương sang Campuchia, Lào, Myanmar làm việc theo đường dây như trên. Sở thường xuyên gửi thông báo nhu cầu tuyển dụng, chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài trên trang thông tin điện tử của sở và thông báo trực tiếp hoặc đăng trên Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Hải Dương.