EU công bố lộ trình chuyển đổi năng lượng đến năm 2040
Ngày 6/2, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các mục tiêu khí hậu cho năm 2040 và lộ trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.
Động thái này diễn ra 4 tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và trong bối cảnh nhiều nước thành viên trong khối đang đối mặt với các cuộc biểu tình của nông dân nhằm phản đối các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp.
EU đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, trong đó mục tiêu trong giai đoạn chuyển tiếp diễn ra đến năm 2030 là cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990. Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu đến năm 2040 giảm 90% mức phát thải ròng carbon, tức là tốc độ giảm tương đương giai đoạn 2020 - 2030.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đối với mục tiêu lần này, EU phải tính đến sự bất bình ngày càng tăng - được phản ánh qua các cuộc biểu tình của nông dân tại nhiều quốc gia trong những tuần gần đây. Sau khi giải quyết thành công quá trình chuyển đổi xanh trong giao thông, năng lượng và công nghiệp, Thỏa thuận Xanh đang vấp phải sự phản đối trong ngành nông nghiệp.
Tháng trước, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU Wopke Hoekstra đã cảnh báo khối này cần nỗ lực cân bằng giữa một bên là tham vọng về khí hậu với một bên là đảm bảo các doanh nghiệp EU có thể duy trì tính cạnh tranh, như vậy mới tạo được bước chuyển đổi công bằng.
Mục tiêu đạt được cân bằng cũng là trọng tâm trong bức thư chung, được 11 nước thành viên EU, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, gửi tới EC. Theo đó, các nước hối thúc EC đặt ra "mục tiêu khí hậu EU tham vọng" trong năm 2040, song cũng kêu gọi một "sự chuyển đổi công bằng và chính đáng", để "không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất".
Theo quy định, EC sẽ phải đệ trình các mục tiêu khí hậu sau năm 2030 trong vòng 6 tháng kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra vào tháng 12/2023.
Các mục tiêu được Ủy ban châu Âu đưa ra vào ngày 6/2 chỉ là những đề xuất đơn giản và ban lãnh đạo Ủy ban châu Âu sắp tới, dự kiến được bổ nhiệm sau cuộc bầu cử EP, sẽ phải đưa những đề xuất trên thành luật để các nước thành viên và các nghị sĩ EU xem xét trước thềm COP30 vào năm tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban môi trường của EP, ông Pascal Canfin, cho rằng khối này có thể phải cần Thỏa thuận Xanh thứ hai. Theo ông, từ nay đến năm 2030, EU đã hoàn tất công việc, khi một “sự chuyển đổi lớn” trong xã hội đang diễn ra, song nếu không tiếp tục hành động, EU sẽ không thể đạt được mục tiêu cuối cùng.