Nối lại đàm phán hòa bình về xung đột tại miền Nam Thái Lan
Ngày 6/2, các cuộc đàm phán hòa bình đã được nối lại nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 thập kỷ qua ở miền Nam Thái Lan.
Theo truyền thông Thái Lan, vòng đàm phán mới giữa đại diện Chính phủ Thái Lan và phong trào ly khai Mặt trận Giải phóng Dân tộc - Barisan Revolusi Nasional (BRN) đã diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Dự kiến, vòng đàm phán này sẽ kéo dài 2 ngày.
Phát biểu với báo giới, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Thái Lan, ông Chatchai Bangchuad, đã hoan nghênh bầu không khí tích cực của các cuộc thảo luận trong ngày đầu tiên. Theo ông, hai bên "đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, cùng cố gắng giải quyết các vấn đề", đồng thời bày tỏ hi vọng có thể đạt được tiến bộ trong ngày đàm phán tiếp theo.
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Thái Lan cũng cho biết một ủy ban kỹ thuật sẽ nghiên cứu chi tiết khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 10/3 tới. Trước cuộc đàm phán, ông Chatchai cho rằng một lệnh ngừng bắn dài hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn lệnh ngừng bắn chỉ kéo dài trong tháng lễ Ramadan.
Xung đột bùng phát ở miền Nam Thái Lan từ năm 2004, khi các tay súng ở khu vực có đa số người Hồi giáo thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm đòi quyền tự trị lớn hơn. Kéo dài suốt 20 năm, xung đột đã khiến trên 7.300 người đã thiệt mạng và 13.500 người bị thương.