Pháp mạnh tay với thời trang nhanh, giá rẻ Trung Quốc
Để hạn chế tác động môi trường của số rác thải này, Hạ viện Pháp vừa thông qua một dự luật cứng rắn đối với thời trang nhanh.
Dự luật này, đang chờ Thượng viện thông qua, được cho là nhắm đến các hãng thời trang nhanh như Shein và Temu của Trung Quốc. Theo đó, các nhà lập pháp Pháp kêu gọi tăng phí môi trường lên tới 10 USD cho mỗi sản phẩm vào năm 2030, đồng thời cấm các nhà sản xuất chạy quảng cáo cho các sản phẩm dệt may.
Nguồn cơn ô nhiễm môi trường
Theo Đài Euronews, công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất trên thế giới. Ngành này đã thải ra môi trường khoảng 20% lượng khí thải của hành tinh và 10% lượng khí thải nhà kính trên thế giới.
Một số nơi bao gồm sa mạc Atacama (Chile) và các quốc gia châu Phi như Ghana hay Kenya hiện đang phải gánh chịu phần lớn rác thải dệt may từ công nghiệp thời trang nhanh trên toàn thế giới. Riêng sa mạc Atacama đã giành được danh hiệu mà không ai mong muốn - "Thùng rác của thế giới".
Báo Guardian nhận định nhà bán lẻ thời trang nhanh đến từ Trung Quốc Shein chính là mục tiêu của dự luật chống lại thời trang nhanh của giới chức Pháp. "Shein cung cấp số lượng sản phẩm nhiều hơn 900 lần so với một thương hiệu truyền thống của Pháp" - các nhà lập pháp Paris nói.
Cũng theo họ, thương hiệu thời trang Trung Quốc này đã tung ra hơn 7.200 mẫu quần áo mới mỗi ngày với tổng cộng 470.000 sản phẩm khác nhau. Chính điều này cho phép Shein thu hút nhiều đối tượng khách hàng, đạt được hiệu quả kinh doanh lớn trong khi giá thành các sản phẩm "rẻ hơn bao giờ hết". Và điều này đã buộc các thương hiệu thời trang châu Âu phải tăng sản lượng để cạnh tranh.
Đài CNN nhận định sự phổ biến của các nhà bán lẻ như Shein hay Temu của Trung Quốc đã làm gián đoạn lĩnh vực bán lẻ, trong khi những công ty lâu đời như Zara và H&M vẫn tiếp tục duy trì việc tạo ra sản phẩm dựa trên việc đoán sở thích của người mua.
"Sự phát triển của ngành may mặc theo hướng "thời trang chỉ là phù du" kết hợp với số lượng sản phẩm ồ ạt, giá thành sản phẩm rẻ đã ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Từ đó tại ra các xung lực về nhu cầu mua hàng và nhu cầu đổi mới mẫu mã liên tục của người tiêu dùng... Kết quả là chúng tạo ra các hậu quả về môi trường, xã hội và kinh tế" - dự luật của Pháp nêu.
Cây gậy và củ cà rốt
Giống như hút thuốc, uống rượu khi lái xe và việc sử dụng túi ni lông, Pháp coi thời trang nhanh là mối đe dọa đối với sự an toàn sức khỏe của toàn xã hội, và Paris đang đưa ra luật để chống lại ngành công nghiệp thời trang nhanh.
Báo Guardian nhận xét kế hoạch này của Pháp không chỉ là "cây gậy" mà còn là "củ cà rốt" đối với người dân khi họ khuyến khích người dân sửa quần áo, giày dép cũ để tái sử dụng, thay vì vứt chúng đi. Chính phủ Pháp cam kết chi 168 triệu USD cho sáng kiến này. Họ thưởng cho người tiêu dùng số tiền lên tới 27,2 USD với mỗi sản phẩm may mặc mà họ sửa chữa và sử dụng lại.
Trước đó, theo ghi nhận của Hãng tin Reuters hồi tháng 9-2023, trong một nhà kho ở ngoại ô thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), vài người phụ nữ đang phân loại thủ công các loại áo thun, quần jean và váy từ những kiện hàng khổng lồ bao gồm quần áo đã qua sử dụng bị bỏ đi. Đây chính là "những bước chân nhỏ" trên hành trình lớn nhằm giải quyết vấn đề rác thải thời trang lớn của toàn châu Âu.
Trong vòng một năm, trung tâm phân loại rác thải thời trang do tổ chức từ thiện tái chế hàng may mặc Moda Re có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng quần áo xử lý lên 40.000 tấn mỗi năm. Ông Albert Alberich, lãnh đạo của Moda Re, cho biết đây chỉ mới là sự khởi đầu trên hành trình tái sử dụng quần áo cũ để giảm rác thải ra môi trường.
"Chúng tôi sẽ biến quần áo đã qua sử dụng thành nguyên liệu thô từ châu Âu cho các công ty thời trang", ông Alberich cho hay.
Được tài trợ bởi Inditex, chủ sở hữu của Hãng thời trang Zara, Moda Re sẽ tiếp tục mở rộng các địa điểm thu gom quần áo cũ ở Tây Ban Như như Barcelona, Bilbao và Valencia. Kế hoạch của công ty này nhằm tăng cường năng lực phân loại, xử lý và tái chế hàng may mặc, qua đó đáp ứng một loạt đề xuất mới của EU.
Cũng tại Tây Ban Nha, các hãng thời trang lớn như H&M, Mango và Inditex đã thành lập một hiệp hội phi lợi nhuận để quản lý rác thải quần áo và hưởng ứng luật của EU - yêu cầu các quốc gia thành viên phải tách rác thải thời trang ra khỏi các loại rác thải khác từ tháng 1-2025.
EU giảm thiểu rác dệt may
Theo trang web của Nghị viện châu Âu (EP) ngày 13-3, các thành viên EP đã thông qua các đề xuất nhằm ngăn chặn và giảm thiểu chất thải từ thực phẩm và ngành dệt may trên khắp EU.
EP yêu cầu các nhà sản xuất hàng dệt may ở EU phải chi trả các chi phí cho việc thu thập, phân loại và tái chế các loại rác thải từ ngành may mặc. Các quốc gia thành viên của EU sẽ áp dụng chỉ thị này 18 tháng sau khi chỉ thị có hiệu lực.
Các quy định mới sẽ được áp dụng trên các sản phẩm như quần áo, phụ kiện, chăn mền, drap trải giường, rèm cửa, giày dép, nệm, thảm và các sản phẩm liên quan đến dệt may da, da tổng hợp hoặc cao su.