Hội An thí điểm bán túi ni lông đựng rác cho dân thay vì thu tiền rác
Thay vì đóng tiền rác như lâu nay, người dân phường Cẩm Nam (Hội An) chi tiền mua túi ni lông theo thể tích về chứa rác thải. Trong tương lai, hộ nào dùng nhiều thì túi rác càng to, tương đương với tiền phí sẽ cao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết 450 hộ dân dọc đường Nguyễn Tri Phương là những gia đình đầu tiên trên cả nước thử nghiệm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni lông".
Túi ni lông càng nhiều, rác càng nặng thì tiền đóng càng cao
Theo ông Hùng, từ giữa năm 2023, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Nam và sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Hội An đã chọn phường Cẩm Nam làm thí điểm thu phí rác thải theo lượng phát sinh.
Mỗi gia đình nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương (cách khu phố cổ chừng 400m) sẽ tự phân loại rác thành 3 nhóm ngay tại hộ gia đình tương ứng với từng loại bao ni lông.
Rác thực phẩm sẽ được đựng vào túi ni lông màu trắng trong, chữ xanh. Rác tái chế, tái sử dụng thì các hộ dân sẽ tự thu gom và xử lý tại nhà. Chất thải rắn sinh hoạt khác sẽ được bỏ vào túi chất thải màu trắng, chữ đen.
Từ khi triển khai chương trình, các hộ gia đình được mua loại túi ni lông gồm 10 lít, 15 lít, 20 lít và lớn nhất là 40 lít.
Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít giá 5.000 đồng, loại 20 lít 7.500 đồng, loại 30 lít 10.000 đồng và loại 40 lít giá 15.000 đồng.
Với mức thu bình quân 30.000 đồng/hộ gia đình như lâu nay, mỗi hộ thay vì trả tiền mặt thì sẽ mua túi ni lông tương đương với "mệnh giá". 30.000 đồng sẽ mua được 16 túi loại 10 lít, với loại 15 lít thì sẽ mua được 6 túi, loại 20 lít sẽ mua được 4 túi…
Theo ngày luân phiên trong tuần, xe thu gom rác sẽ tới các khu dân cư để chở rác đi. Nhân viên công ty môi trường sẽ bán túi ni lông, người dân sẽ trả tiền tương ứng số túi cần mua.
Theo bà Huỳnh Phạm Thùy Lan - phó chủ tịch UBND phường Cẩm Nam, về nguyên tắc trong tương lai hộ càng thải ra rác nhiều thì sẽ phải mua túi càng nhiều, tiền càng tăng lên.
Tuy nhiên do đang thí điểm nên người dân đa phần chỉ mua đúng 30.000 đồng tiền túi. Khi dùng hết thì bà con tận dụng túi rác thường để đựng chứ không mua thêm.
"Chúng tôi chưa thấy có hộ nào mua thêm túi trong cùng một tháng, cũng không có hộ nào nói dùng không hết túi" - bà Lan nói.
Dân mua túi rác ngang số tiền "cào bằng" lâu nay
Ghi nhận tại phường Cẩm Nam cho thấy dù đã mua túi rác theo hướng dẫn nhưng nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng rất cầm chừng.
Người dân nói cách thức tính phí rác theo túi như triển khai nghe thì rất ổn, nhưng việc có "minh bạch" được hay không thì tùy ý thức từng gia đình.
"Như lâu nay tui cứ thải rác theo thói quen sinh hoạt hằng ngày. Mỗi tháng đóng tiền cho công ty vệ sinh môi trường.
Nhưng giờ thì đi mua túi to nhỏ, tùy chủng loại rác và về bỏ rác vào đó. Hết túi thì về nguyên tắc là phải mua cái mới để đựng. Nhưng thực tế có mấy ai chấp hành.
Bà con người ta xài hết túi rồi không mua thêm nữa mà lấy túi thường để đựng. Rác đầy thì bỏ ngoài đường để gom đi" - một người dân ở đường Nguyễn Tri Phương nói.
Bà Võ Thị Ba, chủ một tiệm ăn ở Cẩm Nam, nói rằng gia đình bà có mua một số túi phân loại rác. Nhưng khi dùng hết thì bà lại tận dụng bao ni lông thường để đựng rác.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Hiệp, số nhà 19 Nguyễn Tri Phương, nói rằng lâu nay mỗi tháng bà đóng 30.000 đồng tiền rác. Khi chính quyền thí điểm bán túi ni lông, bà mua số túi tương đương với số tiền 30.000 đồng lâu nay nhưng chỉ đựng được khá ít.
"Nhà tôi là tiệm may nên rác thải ra bình quân ngày 5kg. Lâu nay tôi cũng thấy chỉ đóng 30.000 đồng/tháng là rất thấp.
Nếu áp dụng hình thức thu phí theo cân nặng, thể tích như đang thí điểm thì số tiền sẽ rất cao. Ai dùng nhiều sẽ phải bỏ tiền nhiều. Dù vậy thì tôi vẫn rất ủng hộ vì sự công bằng" - bà Hiệp nói.
Sẽ nhân rộng
Phó chủ tịch TP Hội An Nguyễn Thế Hùng khẳng định cách thức tính phí thu gom rác theo thể tích dù có nhiều điểm cần hoàn thiện nhưng đây sẽ là xu hướng của tương lai để đánh vào ý thức bảo vệ môi trường.
"Số hộ đồng thuận theo hình thức tính phí này đang tăng lên, hiện tại là 50% trong tổng số các gia đình được thí điểm. Sắp tới Hội An sẽ tính toán, đề xuất mở rộng", ông Hùng nói.