Những ông chồng "nghiện" việc
Đã một tuần hai đứa con không thấy mặt anh Tùng vì mỗi sáng bố đi làm khi lũ trẻ chưa dậy và thường về vào lúc nửa đêm khi chúng đã ngủ say.
Công việc của một kỹ sư công nghệ ngốn gần hết thời gian của anh Phạm Tùng, 31 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội. Có những hôm anh ngồi nửa ngày liền trên bàn làm việc, ăn tạm bánh mỳ cho bữa trưa và bún vào bữa tối như một "nghĩa vụ với dạ dày".
Nhiều tuần triền miên Tùng không có một bữa cơm chung cùng vợ con. Con gái anh thèm khát bữa sáng có đủ bố mẹ đến độ cố bật dậy thật nhanh khi mẹ gọi "ba sắp đi làm rồi kìa con".
Lịch trình "bận tối mặt mũi" đó giúp cho Tùng có thu nhập khoảng 80 triệu đồng mỗi tháng. Anh đổi được căn hộ tốt hơn cho gia đình và "tự hào khi có thể cho con gái học ngôi trường tốt nhất, tháng sau chuyển tiền cho vợ tiết kiệm nhiều hơn tháng trước".
Nhưng Tùng thừa nhận đã có những mất mát. Lịch làm việc của anh lấp đầy cả thứ 7, chủ nhật. Sinh nhật vợ, tặng quà cho con anh chỉ có thể chuyển khoản. "Vợ nhiều lần nhắc tôi hãy dành thời gian cho con dù ít thôi cũng được", anh nói.
Hai năm nay, Đức Thành, 34 tuổi, ở Lạng Sơn hùn vốn với một người bạn mở một công ty về thiết bị y tế tại Hà Nội. Anh cũng học thêm về đầu tư chứng khoán, đồng thời làm quản lý cho một doanh nghiệp dịch vụ ở quê. Anh đi về giữa Hà Nội và Lạng Sơn kín hai ngày cuối tuần và dành toàn thời gian còn lại đi làm. Nhiều bữa Thành báo vợ về sớm nhưng đến nửa đêm mới có mặt ở nhà.
"Tối nào anh cũng uể oải thả người xuống giường, chẳng buồn thay quần áo. Tôi thương chồng nhưng vẫn giận vì anh thất hứa quá nhiều", chị Thu, vợ anh nói.
Cũng như anh Tùng, anh Thành có con mới ba tuổi. Người chồng muốn vợ con có cuộc sống tốt nên nỗ lực thành công. "Đàn ông thì phải lo được cho vợ con thì mới nên lập gia đình", anh Thành nói.
Lao vào công việc vì muốn trở thành chỗ dựa vững chãi cho gia đình là quan niệm phổ biến của đàn ông Việt. Thống kê từ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), 25% nam giới được hỏi gặp áp lực trong cuộc sống. Trong đó có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% áp lực sự nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện Social Life), vai trò giới, trong đó đàn ông là trụ cột hằn sâu trong quan niệm của người Việt. Trong gia đình, từ khi còn nhỏ, bé trai đã được dẫn dắt và dạy dỗ phải là người chăm lo cho người khác. Đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, vai trò đó càng được định hình rõ ràng hơn.
Ngày nay, dù xã hội đã đạt được những tiến bộ nhất định, hướng đến cân bằng vai trò nam và nữ trong gia đình nhưng kết quả còn mờ nhạt. Đàn ông vẫn phải là lao động chính, mang trong mình niềm tự hào nam tính. Cũng vì vậy, họ gây áp lực lên chính mình, khi thất bại sẽ xấu hổ, khiến áp lực lại càng tăng thêm.
"Với những người đàn ông chưa ổn định, chưa có được sự bền vững về kinh tế, bản tính nam giới khiến họ mạnh mẽ, nỗ lực kiếm tiền, đồng thời cô độc vì muốn giữ sự tự hào", ông Lộc nói.
Nghiên cứu "Nam giới và nam tính tại Việt Nam" của ISDS năm 2020 cho thấy, khi bị những thứ như áp lực tài chính, sự nghiệp đè nặng, gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử. Tỷ lệ này là 5,4% (cao nhất) trong nhóm 18-29 tuổi.
Tùng cho biết, trước kia, khi thu nhập bấp bênh, không đủ sống, anh căng thẳng đến mức rơi vào hoảng loạn. "Nghĩ đến một khoản nợ chưa trả hay những hóa đơn sắp phải thanh toán, tôi thấy dạ dày đau thắt", Tùng nói. Đó là lý do anh cả năm anh không dám nghỉ một ngày, nếu không vì lý do bất khả kháng.
Nhưng theo PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, khi lao vào vòng xoáy công việc, đàn ông dễ mất kết nối với các mối tương quan khác. "Thế nên mới xảy ra tình trạng nhiều nam giới xuất phát vì lý do lo cho vợ con nên lao vào công việc, nhưng sau đó lại đổ vỡ hôn nhân", ông Lộc nói.
Cuối năm ngoái, vợ Thành đề nghị ly hôn. "Có thể mọi người chê em dở người, khi có một anh chồng cung phụng, muốn gì cấp nấy mà đòi bỏ. Nhưng em là người sống thiên về tình cảm, nếu không thấy kết nối, em không chấp nhận được", chị nói với chồng.
Hoài Thu cho biết, chị lấy anh lúc không có gì trong tay. Những ngày hai vợ chồng phải chia nhau gói mỳ tôm, chật vật xoay sở từng đồng chị vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng khi đủ ăn, đủ mặc, Hoài Thu lại không thấy hạnh phúc.
"Đến một ngày cuối tuần dành cho con anh cũng chẳng có. Bữa cơm chung với cả nhà cũng thành một thứ xa xỉ. Vậy kiếm tiền để làm gì?", chị chất vấn anh. Rơi vào bế tắc, họ tìm đến một chuyên gia tâm lý để gỡ rối cho cuộc hôn nhân.
Chị Hoài Thu tâm sự, bản thân không hề muốn ỷ lại vào chồng, bắt anh phải cáng đáng mọi gánh nặng kinh tế. Là một người mẹ, chị dành nhiều thời gian chăm lo cho con nhỏ, nhưng cũng khát khao khẳng định bản thân trong sự nghiệp, tăng thu nhập. Chị muốn anh chia sẻ việc nhà, cùng chăm sóc con để chị có thêm thời gian cho công việc.
Nhưng anh đi từ sớm đêm tới tối mịt mới về. Từ bé tới lúc con ba tuổi, vẫn một mình chị lo đưa đón, lo việc nhà rồi một mình ăn cơm. "Đến đi chơi cuối tuần cũng chỉ có hai mẹ con, thế khác gì mẹ đơn thân được chồng cũ hỗ trợ tiền cấp dưỡng", chị nói.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lộc không chỉ xã hội và các thành viên trong gia đình mà chính bản thân đàn ông cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn, thay đổi "thành trì" quan niệm nam giới phải là trụ cột.
Là con người, ai cũng cần độc lập và có tinh thần cầu tiến, nhưng phải nhận ra thế mạnh của mình, thấy an nhiên với con đường lựa chọn, thay vì chạy theo kỳ vọng của đám đông. Khi lao vào vòng xoáy áp lực, khi mọi cố gắng vẫn khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi và không có kết quả như ý, hãy hỏi tại sao chúng ta bắt đầu.
"Nên cân bằng công việc và cuộc sống. Trong đời người, ngoài sự sống và cái chết, mọi thứ đều có thể bắt đầu lại từ đầu", ông nói.
Ông Lộc khuyên các cặp vợ chồng, giống như vợ chồng anh Thành, phải ngồi xuống nói chuyện với nhau. Mỗi người trong xã hội đều đóng một vai trong sân khấu cuộc đời họ. Vai sẵn có, nhưng kịch bản thì không thể biết trước và có thể thay đổi. Vì vậy, là vợ chồng, phải cùng nhau viết kịch bản hôn nhân, cùng thay đổi kịch bản cuộc đời theo mong muốn, thay vì để một người gồng gánh.
Anh Thành đã nghiệm ra điều đó, khi nghe vợ nói hết những lời tâm can và gắng sửa mình để cứu vãn cuộc hôn nhân.
Năm ngoái, sau khi chuyển nhà từ chung cư xuống mặt đất, anh Tùng phải nghỉ làm nửa năm vì vấn đề sức khỏe do thức khuya quá nhiều. Nhờ có khoản tích lũy, anh không phải chật vật trong những ngày ở nhà dưỡng bệnh.
Tùng đã san bớt việc cho đồng nghiệp để giảm tải áp lực. Anh được gần vợ, chơi với con nhiều hơn và nghiệm ra nhiều điều. "Trước đây, tôi bán sức khỏe để kiếm tiền, giờ lại dùng tiền đó để mua lại sức khỏe", anh nói.
*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.