Công nghiệp

Vì sao các cụm công nghiệp ở Tứ Kỳ chưa thu hút đầu tư như kỳ vọng?

NGUYỄN THẢO 20/03/2024 09:35

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư.

cumcongnghiepjnguyengiao.jpg
Cụm công nghiệp Nguyên Giáp mới có tỷ lệ lấp đầy hơn 64%

Có cụm công nghiệp mới lấp đầy 27%

Theo UBND huyện Tứ Kỳ, toàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp Kỳ Sơn, Văn Tố, Nguyên Giáp đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích gần 164 ha. Trong đó, cụm công nghiệp Kỳ Sơn đi vào hoạt động từ năm 2005, cụm công nghiệp Văn Tố hoạt động từ năm 2015 và cụm công nghiệp Nguyên Giáp hoạt động từ năm 2016.

Đến tháng 3/2024, các cụm công nghiệp đã thu hút 26 doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 7.000 lao động địa phương. Tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp Kỳ Sơn cao nhất với gần 80%, cụm công nghiệp Nguyên Giáp đạt hơn 64%, cụm công nghiệp Văn Tố mới đạt 27%.

Với vị trí giao thông thuận lợi giáp đường tỉnh 391, công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng, cụm công nghiệp Văn Tố từng được kỳ vọng sẽ phát triển loại hình công nghiệp đa ngành nghề, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư khi về Tứ Kỳ. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, đến nay, cụm công nghiệp này mới có 3 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, vật tư nông nghiệp và xây dựng. Phần đất công nghiệp của cụm giáp đường tỉnh 391 đã cho doanh nghiệp thuê. Tuy nhiên phần còn lại nằm sâu bên trong chưa được đầu tư hệ thống giao thông nên khó thu hút đầu tư.

Theo Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tứ Kỳ, trừ cụm công nghiệp Kỳ Sơn được hình thành từ sớm, thuận lợi giao thông và trước đó đã có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, 2 cụm công nghiệp còn lại là Văn Tố và Nguyên Giáp chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhất là dự án có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. So với kế hoạch và lộ trình phát triển, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đang được đánh giá là chậm.

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Đào Văn Soái cho biết :"Việc thu hút doanh nghiệp vào cụm công nghiệp gặp khó do chưa có chủ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đường giao thông nội bộ và đường gom giáp đường tỉnh 391. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của cụm công nghiệp cũng chưa có dẫn đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rất khó kiểm soát. Việc thu hút chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn do kinh phí và nguồn vốn đầu tư hạ tầng tương đối lớn".

Qua khảo sát và các buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện Tứ Kỳ với các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu thuê đất tại các cụm công nghiệp để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện khá lớn. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ nên các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi vào cụm công nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng chưa đủ tiềm lực để vừa đầu tư cơ sở hạ tầng vừa đầu tư dây chuyền sản xuất cùng lúc.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

laododng.jpg
Nguồn lao động ở huyện Tứ Kỳ dồi dào sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp (ảnh minh họa)

Huyện Tứ Kỳ đang đề xuất Sở Công thương xem xét giao cho nhà đầu tư có năng lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích chưa sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt; có giải pháp khắc phục khó khăn về xử lý nước thải tập trung để thuận lợi cho doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.

Huyện cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất công nghiệp còn lại của 3 cụm công nghiệp để UBND huyện tiếp tục thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp.

Địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể để phát triển hạ tầng công nghiệp. Trong đó hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư như xây dựng tuyến tránh đường tỉnh 391; mở rộng quốc lộ 37; đường trục Đông-Tây tỉnh... Một số dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và đang triển khai xây dựng. Khi được đưa vào sử dụng, các dự án này sẽ góp phần mở rộng hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hoá; giúp địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có để thành lập các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và thu hút đầu tư trong thời gian tới.

“Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã chủ động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Đào Văn Soái cho biết thêm.

NGUYỄN THẢO