Góc nhìn

"Bẫy nợ" thẻ tín dụng

Michael NGUYỄN MINH (VnE) 17/03/2024 08:30

Ở mặt tốt, thẻ tín dụng trước hết là một phương tiện thanh toán thuận tiện hơn và khá an toàn so với tiền mặt. Nhưng việc tiêu trước trả sau, với lãi suất cắt cổ dễ rơi vào bẫy nợ.

Cách đây vài chục năm, người Singapore từng cụ thể hóa tiêu chí về hạnh phúc và thành đạt, gói gọn trong "5C" mà sau này lan truyền sang cả các nước láng giềng Đông Nam Á: Cash (tiền mặt), Credit card (thẻ tín dụng), Car (xe hơi), Condominium (chung cư cao cấp), Country Club (câu lạc bộ tư nhân).

Nếu sở hữu chữ C thứ hai, bạn nằm trong nhóm 50% hạnh phúc và thành đạt. Sở hữu chữ C thứ tư, bạn nằm trong nhóm 20% và sở hữu tới chữ C cuối cùng, bạn vào số 10% khá giả, thành đạt nhất Singapore.

Quan niệm này giờ đây đã thay đổi, khi chữ C thứ hai - Thẻ tín dụng, không còn là tiêu chuẩn đánh giá thu nhập hay khả năng tài chính của người sở hữu nữa. Thế hệ Z Singapore khá thờ ơ với thẻ tín dụng, không chỉ vì bây giờ họ có các công cụ thanh toán điện tử hiệu quả, tiện lợi hơn, mà vì hiểu biết về quản lý tài chính của họ rõ ràng hơn, nhận thức của họ đầy đủ hơn về cái tốt (the Good), cái xấu (the Bad) và cái bẫy nợ (the Ugly) của việc tiêu trước trả sau, với lãi suất cắt cổ một khi đã rơi vào bẫy nợ.

Hai con gái của tôi không đăng ký bất cứ thẻ tín dụng nào, dù trực tiếp đứng tên hay dùng thẻ phụ (supplementary card) của thẻ chính, do bố mẹ hay người thân cho phép. Chúng chỉ sử dụng thẻ ghi nợ (debit card) từ tài khoản cá nhân với hạn mức nhất định trong ngày. Thậm chí hai đứa trẻ còn giảng cho bố mẹ cách dùng thẻ hợp lý, lờ đi chuyện bố chúng từng là cán bộ cao cấp ở ngân hàng trong hơn chục năm.

Ở mặt tốt (the Good), thẻ tín dụng trước hết là một phương tiện thanh toán thuận tiện hơn và khá an toàn so với tiền mặt. Điểm lợi nhất là nó cho phép chủ thẻ dễ dàng sử dụng một khoản tiền do ngân hàng cấp sẵn, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp. Khoản tiền này nhiều hay ít phụ thuộc vào độ khả tín của người sử dụng, mà ở Singapore, thường có giá trị gấp bốn lần tiền lương tháng của chủ thẻ. Chủ thẻ được sử dụng ngay một món tiền lớn, rồi chọn cách trả lại ngân hàng toàn bộ trong một lần, hay chia ra, trả thành từng lần nhỏ để giảm bớt gánh nặng tài chính trong ngắn hạn. Ví dụ xe của bạn bị hỏng mà kỳ nhận lương chưa tới, bạn có thể vẫn đưa xe đi sửa để sớm được dùng, trả phí sửa xe bằng thẻ tín dụng, rồi thanh toán khoản nợ này với ngân hàng sau. Để thu hút người sử dụng, ngân hàng thường phát hành thẻ tín dụng kèm theo ba chính sách ưu đãi: tặng điểm thưởng (rewards points), tặng tiền (cashback) hay tặng dặm bay miễn phí (air miles) - được đánh giá là thiết thực đối với chủ thẻ.

Ở mặt không tốt (the Bad), không giống như thẻ ghi nợ (debit card), thẻ tín dụng không liên kết với bất cứ tài khoản ngân hàng nào của bạn. Khoản tiền được cấp trong thẻ tín dụng thực chất là một khoản vay ngân hàng đặc thù, với lãi suất cao hơn nhiều lần các khoản vay bình thường, kèm theo các điều khoản phạt trả chậm và lãi chồng lãi rất cao, từ 26% đến 75% và tính lãi gộp theo ngày. Nghĩa là, khoản vay này cứ tăng lên mỗi ngày và tích lũy thành một món nợ khổng lồ với chủ thẻ. Ngoài ra, còn có chi phí khác như phí sử dụng thường niên khá cao (ở Singapore là 100 SGD - hơn 1,8 triệu đồng), phí rút tiền mặt và tỷ giá hối đoái quy đổi (nếu dùng thẻ ở nước ngoài) rất bất lợi cho chủ thẻ.

Điều đáng sợ là thẻ tín dụng có xu hướng khuyến khích người dùng tiêu pha quá mức, mà một khi đã hình thành thói quen này sẽ rất dễ dính vào bẫy nợ (the Ugly). Khi có một món tiền lớn (gấp bốn lần lương tháng chẳng hạn), bạn sẽ ảo tưởng về khả năng tài chính của mình và dễ dàng tiêu sắm vượt quá khả năng chi trả. Khoản nợ thẻ tín dụng này, do lãi suất rất cao, tích tụ hàng ngày, khó để thoát ra nổi. Chủ thẻ tín dụng khi không thể trả được nợ cho ngân hàng, sẽ đối mặt với khả năng bị kiện tụng, bị tuyên phá sản, hoặc tìm đến những nguồn vay nặng lãi cắt cổ phi pháp để giải quyết hậu quả.

Câu chuyện về khoản nợ từ 8 triệu đồng thành hơn 8 tỷ đồng của một khách hàng ở Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều thông tin chưa được làm rõ, nên chưa thể kết luận đúng sai. Nhưng những trường hợp cụ thể như vậy là những bài học đắt giá rất nên phổ biến ở Việt Nam, nơi mà thông tin và kiến thức quản lý tài chính chưa thực sự được đưa vào dạy ở nhà trường, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hoàn thiện, và những hành vi lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để lừa đảo (như lừa bán bảo hiểm thay vì gửi tiết kiệm) còn chưa được xử lý thích đáng. Trong mối quan hệ với các ngân hàng (như những định chế tài chính với các biệt ngữ chuyên ngành, các hợp đồng rối rắm, khó hiểu), khách hàng dễ dàng trở thành bên yếu thế, bị thiệt thòi nếu xảy ra tranh chấp.

Lớp trẻ, như các con tôi, vẫn tận dụng các tiện ích của thẻ ngân hàng và tránh được những cạm bẫy của nó, trước hết nhờ những bài giảng quý giá về kiến thức tài chính trong chương trình học từ phổ thông đến đại học, cũng như sự truyền thông sâu rộng của thông tin đại chúng.

Tôi tin rằng giới trẻ ở một xã hội tiêu dùng như Việt Nam cũng cần được tiếp cận kiến thức quản lý tài chính ngay từ trên ghế nhà trường, để trước hết là tự bảo vệ lấy mình, sau nữa là xây dựng một xã hội lành mạnh về các quan hệ tài chính.

Thẻ tín dụng như con dao hai lưỡi, sắc ngọt, không nên chơi dao nếu bạn chưa biết cách nắm đằng chuôi.

Michael NGUYỄN MINH (VnE)