Nhân dân đóng góp kinh phí tu bổ đền thờ thái hậu triều Lý ở Thanh Hà
Ngôi đền thờ thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà (Hải Dương) được nhân dân đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo.
Trong 2 ngày 15 và 16/3, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) tổ chức lễ hội đền Chợ Cháy và khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo nhà tiền bái hậu cung đền với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Số tiền trên do nhân dân, con em quê hương ở xa và khách thập phương hỗ trợ, đóng góp.
Đền Chợ Cháy thờ thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng. Theo sử sách ghi chép, vào năm Tân Mão (1171) vua Lý Anh Tông đi kinh lý miền duyên hải, qua vùng đất Cẩm Chế thấy một vùng non nước hữu tình, ngài bách bộ khắp đó đây thì nghe tiếng hát vô cùng xúc động. Ngài bèn cho lính hầu đi tìm người hát ấy, thì đó là người con gái tên Hoàng Thị Hồng (còn gọi là Hoàng Thị). Nàng được vua yêu mến đưa về kinh thành nhưng không nguôi nhớ cha mẹ. Một lần được về quê, nàng đã đem phần lớn số tiền vua ban để lập chợ, lấy tên là chợ Cẩm Chế. Nàng cho đắp đường, bắc cầu, khơi sông ngòi, khuyến khích nông dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Sau đó, vua Lý Anh Tông triệu Hoàng Thị về cung. Trên đường về kinh, nàng biết mình đã có thai, e sẽ liên lụy lớn vì trước khi về quê nàng chưa báo quan thái giám nên đã trẫm mình xuống hồ tự vẫn. Khi hay tin, vua Lý Anh Tông đau buồn, trong lúc tức giận nhất thời đã cho đốt chợ Cẩm Chế. Chợ cháy đùng đùng trước sự nức nở của nhân dân trong vùng. Sau đó Hoàng Thị báo mộng, vua Lý Anh Tông đã vội vã chu cấp bạc vàng về xây lại chợ và dựng ngôi đền cạnh chợ tôn Hoàng Thị Hồng làm thành hoàng. Sau đó các đời vua kế nghiệp đã phong sắc cho nàng là "Lý triều Hoàng Thái Hậu".
Từ ngày chợ bị đốt và được xây dựng lại, dân trong vùng gọi chợ là đền Chợ Cháy. Đền Chợ Cháy được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005.