Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Đồ ăn nguội phải bảo quản trong tủ lạnh và giữ riêng đồ sống; nên ăn chín, uống sôi, chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc.
Bảo quản, lựa chọn, chế biến thực phẩm không đúng cách dễ dẫn đến nhiễm khuẩn, gây ngộ độc. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, tiêu chảy, thậm chí chóng mặt, ngất xỉu, hôn mê...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, hướng dẫn cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm như sau:
Lựa chọn
- Chọn thực phẩm có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá cần chọn món giữ nguyên màu sắc và trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ.
- Đồ ăn nguội như giò, nem, chả, xúc xích, phô mai, giăm bông, đồ hộp... phải được bảo quản lạnh. Không mua đồ hộp có vết nứt, có mùi chua, không nhãn mác.
- Lựa chọn thực phẩm tươi sống.
Bảo quản
- Ở nhiệt độ bình thường, thực phẩm tươi dễ bị ôi thiu, mất dinh dưỡng. Để đồ ăn tươi ngon, bạn nên sắp đồ đông lạnh xếp vào ngăn đá, rau để ngăn mát. Đồ đông lạnh như thịt, tôm để vào ngăn đá, chia thành những phần nhỏ theo lượng ăn mỗi bữa, ăn đến đâu lấy đến đó, thời gian sử dụng trong vòng 14-30 ngày.
- Không cần rửa ngay rau củ khi mua về mà lấy giấy bảo quản, gói lại và đặt trong khay đựng. Không buộc kín trong bao nylon sẽ có nước đọng làm cho rau quả dễ héo, thối. Rau quả có thể bảo quản trong tủ lạnh 3-4 ngày, nhưng tốt nhất sử dụng trong ngày.
- Không xếp thực phẩm quá đầy trong tủ lạnh khiến đồ ăn nhanh hỏng hơn. Rã đông đúng cách.
- Thực phẩm sống và chín cần để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn.
- Tất cả thực phẩm khi bảo quản đều cần được bao bọc hay chứa đựng bằng túi hay gói kín.
Chế biến
- Rau quả ăn sống trước khi ăn cần ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo nước, gọt bỏ vỏ.
- Thực phẩm tươi sống trước khi chế biến cần được sơ chế, loại bỏ phần thừa, rửa bằng nước sạch rồi mới cắt miếng để tránh giảm hoặc mất chất dinh dưỡng.
- Bảo đảm vệ sinh cá nhân, dụng cụ, nơi chế biến, lưu trữ hay bảo quản thực phẩm. Các dụng cụ như dao, thớt cần phân biệt riêng cho thực phẩm sống - chín.
- Thức ăn nên được chế biến với số lượng vừa phải, tránh đun nấu lại nhiều lần.