Sân Gelora Bung Karno: Thử thách bản lĩnh các Chiến binh Sao vàng
Đội tuyển Indonesia sẽ tiếp đội tuyển Việt Nam trong trận lượt đi bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á trên sân Gelora Bung Karno (Jakarta) vào ngày 21/3.
Trong những năm gần đây, đội tuyển Việt Nam rất nhiều lần đánh bại Indonesia. Nhưng các trận đấu diễn ra ở sân Gelora Bung Karno (Jakarta, Indonesia) ở các giải chính thức thì lại chưa bao giờ thắng đối thủ này.
Tại Asean Cup 2022, đội tuyển Việt Nam cầm hòa Indonesia 0 - 0 ở sân Gelora Bung Karno, trong một trận đấu mà đối thủ ép sân nhiều hơn, tạo được nhiều cơ hội hơn. Trận đấu đó có sự chứng kiến của gần 50.000 khán giả. Còn tại vòng bảng Asean Cup 2002, tuyển Việt Nam cũng hòa Indonesia 2 - 2. Năm đó, trận đấu có khoảng 30.000 vào sân Gelora Bung Karno, nhưng sức ép đã rất khủng khiếp với đội tuyển Việt Nam.
Ở đấu trường SEA Games, thành tích của các đội tuyển Việt Nam trên sân Gelora Bung Karno cũng không khá hơn. Năm 2011, trong trận bán kết nội dung bóng đá nam SEA Games trên sân Gelora Bung Karno, dưới sự chứng kiến của khoảng 100.000 khán giả, U23 Indonesia thắng dễ U23 Việt Nam với tỷ số 2 - 0. Còn tại SEA Games năm 1997, tuyển Việt Nam và Indonesia đụng độ nhau ở vòng bảng, trên sân Senayan (tên cũ của sân Gelora Bung Karno) khi ấy cũng có sự chứng kiến của khoảng 100.000 khấn giả. Kết quả, hai đội hòa nhau 2 - 2.
Đây có lẽ là lý do mà Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) chọn sân Gelora Bung Karno là sân nhà khi tiếp đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026, thay vì chọn sân vận động quốc tế Jakarta mới được khánh thành cách nay 2 năm, mới hơn và hiện đại hơn sân Gelora Bung Karno.
Sau nhiều lần sửa chữa, sân Gelora Bung Karno giảm sức chứa từ 100.000 người trước đây xuống còn hơn 77.000 người như hiện nay. Dù vậy, hiệu ứng âm thanh bên trong sân bóng hình vòng cung này vẫn rất khủng khiếp.
Trước sức ép của gần 80.000 khán giả Indonesia, chỉ có cầu thủ nhiều kinh nghiệm, giàu bản lĩnh mới có thể đứng vững.
Sự cuồng nhiệt của các cổ động viên Indonesia là không cần phải bàn cãi. Họ chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa cổ vũ từ bóng đá châu Âu như Italy hay Anh, với những khán đài chật kín người hâm mộ mặc đồng phục cùng nhau hát hò, cổ vũ cho đội nhà và gây áp lực lên đội khách trong suốt cả trận đấu. Sức chứa lớn cộng với sự cuồng nhiệt của cổ động viên Indonesia tạo nên thương hiệu "chảo lửa" cho sân Gelora Bung Karno và thường gây nỗi lo sợ cho các đội bóng tới thi đấu ở đây.
Làm khách tại Xứ vạn đảo chưa bao giờ là dễ dàng, giờ đối thủ lại vừa nhập tịch cả chục cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu - đó là thử thách với các Chiến binh Sao vàng ở trận đấu tới đây. Sẵn sàng tâm lý để đối diện sức ép khủng khiếp từ bốn phía khán đài, các tuyển thủ Việt Nam còn phải có “cái đầu lạnh” để đối phó với lối chơi áp sát, đá rát và đá rắn vốn đã trở thành “bản sắc” của các cầu thủ Indonesia.
Sức nóng từ băng ghế huấn luyện cho đến sân cỏ, và tất nhiên là cả trên khán đài, tất cả đang tạo ra nét hấp dẫn đặc biệt cho trận cầu bắt đầu lúc 20 giờ 30 ngày 21/3.
Đợt tập trung lần này huấn luyện viên Troussier có 4 ngày luyện quân tại Hà Nội, trước khi đội tuyển sang Indonesia vào ngày 19/3. Tại đây, các cầu thủ có thêm 2 buổi tập nữa để hoàn thiện khâu chuẩn bị để bước vào trận cầu then chốt với thầy trò huấn luyện viên Shin Tae-yong trên sân Bung Karno.