Cách trả tiền nhận chuyển khoản nhầm khi công an không chứng kiến
Anh Bình nhận 180 triệu đồng chuyển khoản nhầm, nói chỉ trả khi có công an cùng chứng kiến song luật sư khuyên nên đến ngân hàng để giải quyết nhằm tránh rắc rối về sau.
Theo chia sẻ của anh Bình, sau khi nhận được tiền chuyển nhầm, có người gửi tiếp 100.000 đồng kèm nội dung "xin lại" nhưng anh sợ lừa đảo nên không phản hồi.
Sau đó, một người gọi cho anh, nhận là nhân viên ngân hàng của bên chuyển nhầm, muốn hỗ trợ khách hàng lấy lại tiền. Do đó không phải số tổng đài, anh Bình không tin tưởng và nói chỉ làm việc khi có đủ 4 bên, bao gồm anh, người chuyển tiền nhầm, cả hai ngân hàng và công an.
Một người khác cũng nhận là nhân viên ngân hàng anh đang dùng, liên lạc đề nghị anh chuyển lại tiền.
Ngân hàng của anh sau đó thông báo khóa thẻ của anh Bình và nói hai ngân hàng đã làm việc với nhau và có công văn của bên công an, song đó là công văn mật không thể cho xem. Công an sẽ không đến giải quyết và người chuyển nhầm thì ở TP Hồ Chí Minh, trong khi anh ở Hà Nội.
Do đó anh Bình được ngân hàng của mình yêu cầu phải đến chi nhánh để mở khóa tài khoản và trả lại tiền.
Anh Bình không biết nên xử trí ra sao, một mặt lo lắng nếu không có công an chứng kiến sẽ bị rủi ro cho bản thân. Nhưng nếu không làm theo yêu cầu, và "công văn mật" là có thật, anh cũng sợ gặp rắc rối.
Luật sư Phạm Quốc Bảo (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) đánh giá, thời gian gần đây, việc chuyển nhầm tiền sang tài khoản người khác xảy ra khá phổ biến, xuất phát từ một phần thiếu thận trọng của người chuyển.
Về trường hợp chuyển tiền nhầm, luật sư cho hay, khoản 4 Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định các bước mà người chuyển nhầm cần thực hiện như sau:
- Liên hệ ngay với ngân hàng và báo về sự cố này sau đó đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng hoặc phòng giao dịch ngân hàng mình đang sử dụng để làm giấy đề nghị ngân hàng hỗ trợ xử lý giao dịch chuyển nhầm.
- Cung cấp đầy đủ các thông tin giao dịch, các giấy tờ như căn cước công dân, thẻ ngân hàng, hóa đơn chuyển tiền... để ngân hàng rà soát giao dịch.
- Sau đó giao dịch viên sẽ tiến hành tra cứu và xác minh lại lịch sử giao dịch của khách hàng. Nếu đúng là chuyển nhầm, ngân hàng sẽ chủ động liên hệ lại với chủ tài khoản nhận tiền và yêu cầu trả lại số tiền đã được chuyển đó cho người gửi.
Luật sư phân tích, như vậy khi nhận được thông tin từ chủ tài khoản chuyển tiền nhầm, giao dịch viên sẽ liên hệ cho anh Bình để yêu cầu trả lại số tiền đã chuyển. Tuy nhiên, theo thông tin anh Bình cung cấp thì các cuộc gọi của ngân hàng đều là số di động cá nhân, do đó việc anh Bình lo ngại chuyển lại tiền không đúng người là hoàn toàn có cơ sở.
Để bảo đảm chuyển lại tiền đúng người và tránh bị đòi tiền tiếp, tránh những rắc rối có thể xảy ra sau này, luật sư Bảo khuyên anh Bình nên đến trụ sở, phòng giao dịch của ngân hàng mà anh mở tài khoản để làm việc trực tiếp hoặc liên hệ với cơ quan công an để đề nghị hỗ trợ giải quyết về việc xác nhận nguồn gốc của số tiền và hướng dẫn anh cách xử lý.
Anh Bình còn phản ánh bị nhiều cá nhân gọi điện chửi bới làm phiền để đòi tiền nên cho rằng bị ngân hàng mình đang sử dụng tiết lộ thông tin cá nhân.
Về điều này, khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về bảo mật thông tin như sau: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng".
Luật sư Bảo từ đó nhận định, chỉ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự) hoặc được sự chấp thuận của khách hàng, ngân hàng mới được cung cấp thông tin khách hàng cho người khác.
Nếu không thuộc một trong hai trường hợp trên, việc cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng cho bên thứ ba là trái quy định của pháp luật. Ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại liên quan việc để lộ thông tin khách hàng.
Nếu anh Bình không làm theo yêu cầu của ngân hàng, luật sư cho rằng không bị coi là chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ. Anh Bình chưa chuyển lại tiền vì muốn xác minh chính xác thông tin người chủ số tiền đã chuyển nhầm. "Do vậy, không thể coi hành vi của bạn vi phạm nghĩa vụ hoàn trả hoặc cố tình không trả lại cho chủ sở hữu", luật sư nêu.
Đối với các trường hợp cố tình không chuyển trả sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm đã yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm (nếu số tiền chiếm hữu trong khoảng 10-200 triệu đồng, theo Điều 176 Bộ luật Hình sự)