Cách xử lý khi rơi vào thế khó trong giao tiếp
Sự lúng túng khi rơi vào các tình huống khó xử trong giao tiếp tương tự như chứng lo âu xã hội, đều biểu thị bằng sự lo lắng hoặc căng thẳng.
Theo Sara Jane Ho, người sáng lập Học viện giáo dục Sarita, tác giả cuốn sách "Mind Your Manners" kiêm người dẫn show giáo dục cách giao tiếp xã hội cùng tên trên Netflix, bạn có những mẹo sau để xử lý khi rơi vào tình huống khó xử.
Khi quên tên ai đó
Nếu bạn gặp ai đó vài lần nhưng vẫn không nhớ tên của họ thì đừng bao giờ thừa nhận. Việc bị quên tên, dù là tạm thời, cũng khiến người đối diện đặt câu hỏi về mức độ bạn xem trọng họ.
Trong tình huống này, nên rút điện thoại ra và nói bạn muốn xin số liên lạc, rồi đề nghị họ bấm số điện thoại của họ hoặc lấy thông tin trang cá nhân mạng xã hội của họ. Bạn có thể nói mình mới mua điện thoại và danh bạ bị xóa để lấp liếm việc không có số của đối phương.
Thoát khỏi cuộc trò chuyện không mong muốn
Bạn hoàn toàn không thoải mái với việc đối phương trò chuyện, hỏi han mình hoặc bạn đang dở một công việc nào đó nhưng đối phương vẫn tiếp tục "thao thao bất tuyệt"? Giải pháp chính là giới thiệu họ với một người khác, sau đó nói rằng bạn sẽ đi lấy đồ uống hoặc vào WC một chút. Cách làm này khiến đối phương không nhận ra việc bạn cố gắng rời bỏ cuộc trò chuyện và không giận bạn.
Đáp lại sự thô lỗ của các thành viên trong gia đình
Sự khó chịu trong gia đình có thể khó giải quyết hơn một chút vì nhìn chung mọi người thường thẳng thắn hoặc bỗ bã hơn. Trong trường hợp người thân như cô dì, chú bác đặt cho bạn những câu hỏi bạn không muốn trả lời nhưng cũng không thể thất lễ, tốt nhất là chỉ nên mỉm cười, lảng đi chỗ khác và hạn chế tiếp xúc họ ở những lần sau.
Trong trường hợp đó là bố mẹ chồng (vợ), bạn nên để cho chồng (vợ) của bạn thay mặt đáp lễ. Tốt nhất bạn không nên ra mặt và chọc giận họ. Khi bạn đời hỗ trợ bạn trả lời, bạn chỉ cần lắng nghe và mỉm cười.
Theo thạc sĩ Caroline Maguire, Đại học Lesley, Massachusetts, Mỹ để vượt qua những tình huống khó xử trong giao tiếp, bạn cần phải chú ý đến việc quản lý ngôn ngữ cơ thể như hơi thở, điệu bộ, học cách thể hiện những điểm mạnh của bản thân thay vì chỉ chú ý về những điểm yếu. Kỹ năng xã hội, giống như bất kỳ kỹ năng sống nào khác, có thể được rèn luyện và cải thiện ở mọi lứa tuổi.