Vốn ngân hàng vẫn khó bơm vào nền kinh tế
Tín dụng đến hết tháng 2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy vốn vẫn khó bơm vào nền kinh tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước nêu tại hội nghị chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngày 14/3, vốn rót vào bất động sản và chứng khoán trong hai tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ, trong khi các ngành khác đều giảm.
Tính chung, tăng trưởng tín dụng đến 29/2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái. Mức này so với số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố cuối tháng trước cải thiện hơn (-1,12%). Tốc độ giảm tín dụng tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (0,6%).
Tín dụng cải thiện, nhưng vẫn âm, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán, cùng khả năng hấp thụ vốn thấp.
Theo ông, giai đoạn đầu năm doanh nghiệp thường hạn chế vay mới. Thậm chí, nhiều đơn vị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng. Người dân tăng dự phòng và giảm vay để chi tiêu.
Một số nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn khi quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Cùng đó, cho vay của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản chưa hồi phục, bởi nhóm này chiếm khoảng 21% tín dụng chung.
"Thanh khoản dồi dào và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng hiện có điều kiện thuận lợi để cấp vốn cho vay", Phó thống đốc nói.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm, trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng, tức tiền nhiều nhưng vốn không thể ra nền kinh tế. Hiện, lãi suất tiền gửi bình quân là 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu khai mạc hội nghị hôm nay đề nghị các bộ, ngành thảo luận, làm rõ vì sao lãi suất đã giảm, doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng.
"Nút thắt ở đâu, nguyên nhân gì? Do quy định, điều hành, thận trọng hay cục bộ?", ông đặt câu hỏi, và đề nghị làm rõ tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng theo từng ngành, lĩnh vực để có biện pháp tháo gỡ.
Ông yêu cầu bộ ngành, địa phương tìm giải pháp để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp. Ngành ngân hàng có phương án điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (6-6,5%), ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Về phía ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận một số nhà băng thận trọng cho vay do nợ xấu tăng. Thủ tục cho vay, thời gian xét duyệt vay quá thận trọng tại một số ngân hàng, khiến giải ngân thấp.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các nhà băng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất các bộ ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp, ông Tú đề xuất họ tái cấu trúc, minh bạch tình hình tài chính.