Góc nhìn

Chứng khoán ảo - "thính thơm" dụ kẻ khù khờ

SONG TƯỜNG 15/03/2024 06:00

Giao lưu ảo, tham gia một số hội, nhóm ảo để rồi bị dính "thính thơm" khiến nhiều người nhẹ dạ, khù khờ mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí mất tiền tỷ vì chứng khoán ảo.

anh-chup-man-hinh-2024-03-13-luc-10.52.12(1).png
Một bài đăng cảnh báo lừa đảo trên nhóm Facebook "Cảnh báo chứng khoán" hơn 10 ngày trước

Một người đàn ông ở TP Hải Dương tên N.V.H. đã từng mất hơn nửa tỷ đồng chỉ vì tham gia nhóm “giao lưu chứng khoán” trên mạng. Đáng buồn cho người đàn ông này là anh nhận lời “chơi” chứng khoán từ những đối tượng không quen biết gọi điện, kết bạn Zalo.

Trong khi lướt Facebook, anh V.V.P. cũng ở Hải Dương đã tình cờ đọc được một mẩu quảng cáo đầu tư chứng khoán với cam kết “một vốn rất nhiều lời”. Tò mò nhắn tin, người đàn ông này đã được quản trị trang giới thiệu tỉ mỉ cách tham gia đầu tư. Chưa từng đầu tư chứng khoán, lại nghe giới thiệu hấp dẫn, anh P. quyết định thử vận may và đóng 300.000 đồng phí mở tài khoản.

Hai người đàn ông nói trên đều được mời vào một nhóm trò chuyện trên nền tảng Telegram. Trong nhóm này, thấy nhiều người khoe kiếm được tiền tỷ, lại được các “chuyên gia” giảng dạy hàng loạt kiến thức liên quan đến đầu tư chứng khoán.

Đó là những bước dạo đầu cho câu chuyện giao lưu ảo để rồi mất tiền thật của hai người đàn ông nhẹ dạ nói trên. Mất vài trăm triệu đồng cũng không phải số tiền nhỏ. Hơn nữa, tôi tin rằng không riêng anh H., anh P., mà đọc đến đây nhiều người sẽ giật mình, bởi đã bị lừa tương tự như thế, hoặc còn đang tham gia vào những hội, nhóm tương tự như vậy.

Chiêu trò lừa đảo chứng khoán thì nhiều, nhưng chung quy lại cơ bản quy về 2 mối. Một là tải ứng dụng rồi nhận thông tin về mã cổ phiếu nào đó, rồi mồi chài nạn nhân mua bằng cách nạp tiền vào tài khoản ngân hàng nào đó do đối tượng lừa đảo cung cấp. Hai là “Không biết đầu tư về chứng khoán? Không sao, sẽ có thầy giúp bạn”, đó là câu quảng cáo cửa miệng của nhiều đối tượng tự xưng là "thầy chứng khoán" hoặc “học trò” của họ. Nạn nhân chỉ cần chọn gói đầu tư với một mức tiền cụ thể nào đó, nhận về cam kết lãi suất hàng chục lần, có bảo hiểm thua lỗ. Song cần nộp tiền vào tài khoản của “thầy” để "thầy" “chơi chứng” giúp.

Chọn một gói đầu tư giả như 500 triệu đồng, lãi cam kết cỡ 30 lần, tức là sẽ nhận về 15 tỷ đồng, thua lỗ không sợ vì đã có bảo hiểm. Nhiều người dính "thính” ở chỗ này, vì tham, vì ham quá, vì thấy dễ quá.

Chỉ mất vài phút lướt trên một số nhóm Facebook như “Cảnh báo chứng khoán – Lừa đảo”, “Nhóm tố cáo các app lừa đảo chứng khoán”... rất dễ thấy những thông tin về một số ứng dụng, website lừa đảo, hoặc có dấu hiệu lừa đảo chứng khoán. Tất cả gần như đều có chung công thức dụ người có tiền như tôi nói phía trên.

Hơn nữa, rất có thể những kẻ lừa đảo từng đầu tư chứng khoán hoặc có chút nghề về đầu tư chứng khoán nên những câu từ, những lời mời gọi mã này, cổ phiếu nọ nghe có vẻ rất chuyên nghiệp. Do vậy nhiều người mù mờ dễ dàng nghe theo.

Câu hỏi đặt ra là báo chí cả nước, trong đó có báo Hải Dương đã đăng tải thông tin biết bao vụ lừa đảo, gióng lên biết bao hồi chuông, vậy mà vẫn có người có tiền mà không biết giữ, nhẹ dạ rồi để bị lừa. Cần hiểu rằng phía sau một vụ lừa đảo thành công là cả một ê-kíp từ kẻ chủ mưu, "chân gỗ", "chim mồi" cho đến những câu chuyện, bài học thành công... Mục tiêu cao nhất để nạn nhân phải nghĩ rằng “chuyên nghiệp thế này chắc không phải lừa đảo đâu”. Bởi vậy, có nạn nhân sau khi bị mất tiền đã thốt lên một câu châm biếm rằng lừa đảo đúng là cả một... nghệ thuật.

Vì vậy, muốn đầu tư chứng khoán, trước hết hãy nghiên cứu bài bản về chứng khoán. Rồi lập tài khoản đầu tư tại các sàn chứng khoán HOSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh - HSX), HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX). Đầu tư sàn trong nước trước khi nghĩ đến sàn ở nước ngoài. Ngoài 2 sàn trên, hãy cẩn trọng.

Người dân cần cảnh giác với bất kỳ lời mời tham gia nhóm trên Telegram của ai đó không quen biết. Tốt nhất là không tham gia, bởi đã vào rồi rất dễ dính “thính thơm”.

SONG TƯỜNG