Thận trọng với "cơn sốt" vàng
Nhà đầu tư Hải Dương cần phân bổ tiền cho nhiều lớp tài sản, tránh việc dùng toàn bộ tiền đầu tư vàng trong bối cảnh giá đang rất cao như hiện nay.
Những ngày qua, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Vàng chưa bao giờ đắt như hiện nay. Giá vàng trong nước mở cửa sáng 13/3 tuy giảm so với trước đó 1 ngày theo xu thế giảm của giá vàng thế giới nhưng vẫn neo ở mức rất cao. Mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra ở mức 82,32 triệu đồng, mua vào là 80,2 triệu đồng. Vàng nhẫn mua vào - bán ra ở mức 69,48 - 70,78 triệu đồng mỗi lượng. Tính từ đầu năm đến nay, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 9 triệu đồng, tương đương hơn 13%. Vàng nhẫn đắt thêm 7 triệu đồng mỗi lượng, tương đương hơn 11%. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao vàng lên "cơn sốt" thời gian qua? Đầu tư vàng thời điểm này có an toàn không?
Theo một số chuyên gia tài chính, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh thời gian qua là do giá vàng thế giới tăng mạnh. Nguyên nhân do căng thẳng địa chính trị thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Đông và bất ổn ở Biển Đỏ vẫn diễn biến phức tạp nên nhà đầu tư chọn kênh đầu tư vàng để "trú ẩn". Kinh tế Trung Quốc suy yếu khi thị trường chứng khoán và bất động sản của nước này tiếp tục giảm mạnh khiến nhà đầu tư đất nước tỷ dân tích trữ vàng, góp phần đẩy giá vàng thế giới tăng cao. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông tin về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới khiến sức mạnh của đồng USD giảm, dẫn đến giá vàng tăng.
Ngoài yếu tố giá vàng thế giới cao, giá vàng trong nước tăng còn do một số nguyên nhân khi nhiều kênh đầu tư không còn hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang duy trì ở mức rất thấp. Thị trường chứng khoán tuy tăng trưởng so với đầu năm nhưng luôn biến động và chỉ dành cho những nhà đầu tư am hiểu lĩnh vực tài chính. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm kéo dài khi niềm tin của nhà đầu tư chưa trở lại. Thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó ở các phân khúc trung và cao cấp. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có cải thiện nhưng phục hồi chậm. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu. Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,6% so với tháng 12/2023.
Trong khi một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn, người dân mua vàng tích trữ để bảo toàn giá trị tài sản là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân không nên dốc toàn bộ tiền mua vàng mà nên phân bổ vào các lớp tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiền gửi, chứng chỉ quỹ... để phòng ngừa rủi ro. Theo cấu trúc mô hình tháp tài sản, vàng là lớp phòng vệ, khá an toàn nhưng thị trường vàng biến động quá nóng thời gian qua khiến nhà đầu tư đối mặt rủi ro lớn.
Báo cáo chỉ số lạm phát của Mỹ tháng 2/2024 được công bố rạng sáng 13/3 (giờ Việt Nam) với điểm số tiếp tục tăng nên khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong kỳ họp sau đây 10 ngày rất khó xảy ra. Ngay lập tức, giá vàng thế giới quay đầu giảm 27 USD/ounce so với trước đó 1 ngày, về mức 2.158 USD/ounce. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc họp tổng kết, đánh giá để tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với mục đích kéo giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức rất cao. Với giá vàng thế giới 2.158 USD/ounce, giá vàng trong nước quy đổi tương đương 65,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, mỗi lượng vàng SJC trong nước đắt hơn thế giới hơn 17 triệu đồng, vàng nhẫn đắt hơn 5,5 triệu đồng. Đây là rủi ro rất lớn với nhà đầu tư "đu đỉnh" giá vàng hiện nay.