Lý do 3 đội bóng quyết ở lại Hàng Đẫy, không thuê sân Mỹ Đình
Ba đội bóng ở Hà Nội đều quyết tâm giữ sân Hàng Đẫy làm sân nhà chứ không tính đến phương án sử dụng sân vận động Mỹ Đình.
Để đáp ứng điều kiện của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), một trong 3 câu lạc bộ Công an Hà Nội, Hà Nội FC và Thể Công Viettel phải chuyển sân nhà tới địa điểm khác ngoài sân Hàng Đẫy. Hà Nội vẫn còn sân Mỹ Đình đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, tuy nhiên cả 3 đội bóng đều không tính đến phương án chuyển tới sân vận động quốc gia.
Tính đến lúc này, cả 3 đội bóng kể trên đều quyết tâm giữ sân Hàng Đẫy làm sân nhà. Hà Nội FC tham khảo thêm phương án trong trường hợp phải chuyển đi, nhưng địa điểm họ cân nhắc là sân vận động Hà Đông. Không đội bóng nào mặn mà với ý tưởng sử dụng sân Mỹ Đình.
Mức giá thuê sân Mỹ Đình quá cao là nguyên nhân khiến cho các đội bóng e ngại. Các trận đấu quốc tế tại cúp châu Á được định giá tương tự như các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) từng phải chi 800 triệu đồng cho một trận đấu quốc tế của đội tuyển quốc gia. Con số này quá cao đối với các câu lạc bộ trong trường hợp họ tham dự giải châu Á.
Các đội bóng nếu tổ chức V.League dự kiến phải trả 300 triệu đồng/trận và không được sử dụng toàn bộ khán đài. Thực tế, với sức chứa của sân Mỹ Đình gấp 2-3 lần các sân vận động khác, việc thuê một khán đài là đủ và không cần thiết phải lãng phí thêm.
Tuy nhiên, với các đội bóng đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, khai thác thương mại như Hà Nội FC hay Thể Công Viettel, việc nhiều khán đài trống vắng không có khán giả là điều họ không mong muốn.
Trong 3 đội bóng Thủ đô, Hà Nội FC có đông cổ động viên nhất, nhưng còn hiếm khi lập kín được khán đài sân Hàng Đẫy (sức chứa tối đa chưa đến 20 nghìn người). Chỉ khi đội bóng này thi đấu với các đội khách có nhiều cổ động viên như Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hoá hay SLNA, các khán đài mới đủ khán giả.
Tỷ lệ lấp đầy khán đài là một yếu tố quan trọng mà lãnh đạo các câu lạc bộ tính đến khi chọn sân thi đấu. Về mặt này, sân Mỹ Đình với sức chứa 40 nghìn người chắc chắn là rất khó lấp đầy. V.League không đủ hấp dẫn để kéo thật đông khán giả tới sân với số lượng lớn như vậy.
Trong khi đó, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình - đơn vị quản lý sân Mỹ Đình cũng có nhiều "cái khó" riêng khi đưa ra mức giá thuê cho các đơn vị có nhu cầu. Một lãnh đạo khu Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình cho biết cần xác định rõ rằng hợp đồng thuê sân giữa đội bóng và đơn vị quản lý là bao lâu, từ đây mới tính chính xác chi phí được.
Sau đó, Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình cần mời đơn vị thẩm định giá, đấu thầu vào làm việc. Qua được bước này, đơn vị quản lý sân mới có thể cho đội bóng thuê, mức giá này ít nhất phải "hoà vốn". Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình đang phải trả nhiều khoản thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế dân số, thuế đất, thuế kho tài sản,... chưa kể chi phí điện nước.