Y tế - Sức khỏe

Quản lý chặt, công tác tiêm chủng mở rộng ở Hải Dương đạt kết quả cao

BÌNH MINH 15/03/2024 15:00

Sau một thời gian siết chặt quản lý, bằng những giải pháp sát thực, quyết liệt, Hải Dương đã đưa công tác tiêm chủng mở rộng đi vào nền nếp, đạt kết quả cao.

img_9412.jpg
Công tác quản lý, nhất là việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng đã được các nhân viên Trạm Y tế thị trấn Tứ Kỳ thực hiện ngày một tốt hơn

Kiểm tra thực chất

Năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương đã tổ chức một cuộc kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng mở rộng ở tất cả 12 địa phương trong tỉnh. Việc lựa chọn các trạm y tế để kiểm tra được thực hiện ngẫu nhiên. Mục đích của cuộc kiểm tra, giám sát là để đánh giá thực chất việc quản lý tiêm chủng mở rộng, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm siết chặt, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác này.

Qua kiểm tra cho thấy, trạm y tế một số xã làm chưa tốt công tác quản lý, việc nhập dữ liệu tiêm chủng lên phần mềm còn chậm, chưa chính xác, chưa đầy đủ. Có một số nhân viên làm nhiệm vụ nhập dữ liệu chưa thành thạo công nghệ thông tin... Có thời điểm kết quả thống kê cho thấy tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho trẻ ở Hải Dương tăng chậm cũng xuất phát từ những hạn chế này. Nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ tác động trực tiếp tới việc đánh giá, tham mưu công tác phòng chống dịch bệnh của ngành y tế.

"Chúng tôi đã đề nghị Trung tâm Y tế cấp huyện thay đổi hình thức kiểm tra, giám sát công tác quản lý tiêm chủng mở rộng từ việc định kỳ vào ngày 25 hằng tháng sang thường xuyên, thực chất. Tổ chức tập huấn, đồng thời cử cán bộ, nhân viên làm công tác tiêm chủng mở rộng xuống hướng dẫn trạm y tế nhập dữ liệu, triển khai kế hoạch, dự trù số lượng vaccine cho những tháng tiếp theo... Bố trí nhân viên am hiểu công nghệ thông tin phụ trách việc nhập dữ liệu tiêm chủng", Phó Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Huỳnh thông tin.

Có thời điểm, việc nhập dữ liệu thông tin về tiêm chủng tại một số cơ sở y tế ở huyện Ninh Giang chưa kịp thời, thiếu chính xác. Bác sĩ Phạm Hữu Giang, phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế huyện cho biết ngoài việc tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm công tác tiêm chủng mở rộng, đơn vị còn cử 15 nhân viên chuyên trách thường xuyên bám địa bàn được phân công, hỗ trợ trạm y tế các xã, thị trấn rà soát, triển khai tổ chức các hoạt động tiêm chủng theo đúng hướng dẫn. "Những hạn chế đã dần được khắc phục triệt để. Việc quản lý tiêm chủng trên địa bàn đã ngày càng tốt lên", bác sĩ Giang thông tin.

Công tác quản lý tiêm chủng mở rộng cũng đã được Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn siết chặt hơn trước. Nhân viên chuyên trách của trung tâm này thường xuyên xuống 23 trạm y tế xã, phường để kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch, lập danh sách tiêm chủng, dự trù vaccine, công tác tuyên truyền, nhập dữ liệu... "Trước đây, việc nhập dữ liệu tại không ít cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn còn nhiều hạn chế, có chỗ tiêm xong không nhập thông tin. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên xuống từng cơ sở rà soát, yêu cầu họ thực hiện đúng quy định", bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn cho biết.

img_1200.jpg
Công tác quản lý nhập dữ liệu tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cũng được Hải Dương siết chặt hơn (ảnh minh hoạ)

Hải Dương hiện có khoảng 40 cơ sở tiêm chủng mở rộng. CDC Hải Dương, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thường xuyên yêu cầu các cơ sở này thực hiện nghiêm túc quy định.

Năm 2023, việc thiếu hụt một số loại vaccine khiến chương trình tiêm chủng mở rộng ở Hải Dương phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý công tác này đã giúp tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của tỉnh vẫn đạt 95,5%, xếp thứ nhất miền Bắc.

Tận dụng mạng xã hội để quản lý

Phó Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Huỳnh cho biết thêm đến nay cơ bản trạm y tế các xã, thị trấn trong tỉnh đều đã thành lập nhóm Zalo tiêm chủng mở rộng. Phần lớn bố mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng đều có điện thoại thông minh nên việc ứng dụng mạng xã hội này khá hiệu quả. Họ dễ dàng tiếp cận tất cả tài liệu tuyên truyền, kế hoạch, thông báo lịch tiêm chủng và những vấn đề liên quan đều được cập nhật trên nhóm Zalo này.

Việc khai thác, tận dụng triệt để mạng xã hội Zalo trong triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng. Chị Nguyễn Thị Bình ở huyện Thanh Hà cho biết: "Trước kia chỉ có loa truyền thanh, những thông tin tuyên truyền liên quan đến tiêm chủng cho trẻ lúc nghe được, lúc không. Từ ngày có nhóm Zalo, tôi thấy việc này rất hữu ích. Không chỉ nắm được lịch tiêm, tôi còn biết cách chăm sóc con sau khi tiêm chủng".

Theo tìm hiểu của phóng viên, CDC Hải Dương và Trung tâm Y tế cấp huyện đã có nhóm Zalo. Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế tuyến xã và giữa lãnh đạo trung tâm với Khoa Kiểm soát bệnh tật của đơn vị cũng xây dựng được nhóm này để tăng cường quản lý công tác tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, không ít cơ sở tiêm chủng dịch vụ trong tỉnh vẫn chậm cập nhật dữ liệu tiêm chủng, gây khó khăn cho việc quản lý. Theo quy định hiện nay, chỉ có nhân viên y tế thôn được chi chế độ phụ cấp hằng tháng, còn nhân viên y tế khu dân cư chưa có cơ sở để chi. Việc này khiến công tác quản lý tiêm chủng ở nhiều nơi còn khó khăn.

"Nhân viên y tế khu dân cư là cánh tay nối dài của trạm y tế. Thiếu lực lượng này khiến mọi công việc liên quan đều gặp nhiều khó khăn. Đề nghị cấp trên xem xét có chế độ phụ cấp cho đội ngũ này", Phó Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Tứ Kỳ Nguyễn Thị Hằng đề nghị.

BÌNH MINH