Loạn “chợ mạng”
Các "chợ mạng" ngày càng trở nên sôi động. Tuy nhiên, việc mua bán hàng trực tuyến cũng phát sinh nhiều rủi ro.
Tiềm ẩn rủi ro
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) là một "tín đồ" nghiện mua sắm trên mạng, đặc biệt là đồ gia dụng vì chúng đa dạng và có mức giá hợp lý. Chị Hạnh cho biết trên một số nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, một số sàn thương mại điện tử có rất nhiều sản phẩm như giấy ăn, máy sấy tóc, nồi cơm điện, nồi chiên không dầu… được rao bán với mức giá “hời”. Cách đây vài tuần, chị đặt mua một thùng giấy ăn có giá 120.000 đồng của một shop quen trên một sàn thương mại điện tử. Khi nhận được hàng, chị phải thất vọng vì chất lượng giấy ăn quá mỏng, không dày dặn như mấy lần trước đó. "Cùng thời gian đó, tôi cũng đặt mua 1 chiếc máy sấy tóc với giá 150.000 đồng khi nghe người bán livestream giới thiệu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, máy sấy có dấu hiệu hỏng, chập chờn, lúc bật được, lúc không nên rất khó chịu”, chị Hạnh cho biết. Dù vài lần mua phải hàng kém chất lượng trên mạng, nhưng chị Hạnh không lần nào phản ánh với cơ quan chức năng vì cho rằng giá trị của hàng hóa không quá lớn.
Mới đây, khi sử dụng Facebook, một người tiêu dùng ở TP Hải Dương thấy có một số fanpage nổi tiếng đăng tải về chương trình khuyến mãi cho sản phẩm tai nghe Galaxy Buds 2 Pro của hãng Samsung với giá chỉ 599.000 đồng, trong khi giá bán sản phẩm này trên website Samcenter Việt Nam và các nhà bán lẻ khác là 2,39 triệu đồng (đã có khuyến mãi), còn giá gốc là hơn 4 triệu đồng. Thấy rẻ, người này đã đặt mua 1 sản phẩm. Vài ngày sau, shipper đến giao hàng với điều kiện không được kiểm tra, thử hàng. Kiểm tra địa chỉ gửi hàng, anh thấy nghi vấn về sản phẩm. Kiểm tra lại thông tin trên internet thì phát hiện không hề có chương trình khuyến mãi "khủng" nào như vậy. Thủ đoạn này mới xuất hiện gần đây và nhiều người đã bị lừa. Các fanpage rao bán những sản phẩm kiểu này cũng do các đối tượng mới lập giả mạo. Các trang này có ảnh đại diện giống fanpage chính thức, chạy quảng cáo tiếp cận người dùng Facebook, nếu không để ý kỹ mọi người dễ lầm tưởng có chương trình khuyến mãi thật.
Trong vòng hơn 3 năm (từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2023), các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Hải Dương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 35 vụ việc trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó có 10 vụ vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 10 vụ gian lận thương mại; 15 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu gồm 424 chiếc quần áo giả mạo nhãn hiệu, 250 chiếc mũ giả mạo nhãn hiệu, 132 chiếc điện thoại di động với tổng trị giá hơn 385 triệu đồng.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, kết quả đạt được của công tác đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm và tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Số vụ việc phát hiện, bắt giữ, xử lý trong thời gian qua còn ít, mang tính chất nhỏ lẻ, chưa có nhiều vụ việc lớn, điển hình. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, xảo quyệt hơn. Các mặt hàng vi phạm phổ biến như quần áo, giày dép, điện thoại di động…
Nhiều đối tượng sử dụng thông tin “ảo” để tạo lập tài khoản mạng xã hội, sử dụng sim “rác”, sử dụng các công cụ thanh toán trung gian; không sử dụng địa chỉ cố định để giao dịch, hàng hóa tập kết, cất giấu tại nhiều địa điểm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Lập nhiều tài khoản mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ, livestream và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm chuyên nghiệp nhưng không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung. Khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng), khi bị phát hiện thì đối tượng đánh sập trang web hoặc xóa bỏ, gỡ tài khoản mạng trong thời gian rất nhanh. Các thông tin, dữ liệu lập tức bị xóa bỏ khiến cho công tác xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ điện tử khó khăn vì các mạng xã hội và ứng dụng cài đặt phục vụ cho các giao dịch thương mại điện tử thường đặt máy chủ ở nước ngoài.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê “gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào. Các sàn thương mại điện tử cũng chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ nên các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có rất nhiều cách để lách quy định và lẩn tránh sự kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng. Nhận thức cũng như ý thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa cao, chưa biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình và chưa tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo anh Vũ Minh Hải, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hải Dương, để không bị mắc lừa khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng lưu ý không nên chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Kiểm tra kỹ các thông tin như website bán hàng, nguồn gốc hàng hóa xem có nhiều khiếu nại về các thông tin này hay không. Nếu không may là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên mạng, cần báo cho các cơ quan chức năng và thông tin trên các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho mọi người…