Bi kịch gia đình từ chia thừa kế
Những ngày cuối đời, bà An phải chứng kiến cảnh con cháu tranh giành đất đai ngay cạnh giường bệnh.
Chồng mất sớm, người phụ nữ Vĩnh Phúc một mình nuôi 5 con, một trai bốn gái trưởng thành. Khi còn khỏe, bà từng chia sẻ với họ hàng diện tích đất 1.000 m2 đang ở một nửa sẽ chia cho bốn con gái, nửa còn lại dành cho người con trai để thờ tự.
Dù vậy người phụ nữ 73 tuổi không làm di chúc bởi nghĩ "nói thế rồi sau này anh em nó tự biết chia nhau".
Hai năm trước, khu vực nhà bà An bỗng sốt đất, giá tăng gấp 2-3 lần. Đây cũng là thời điểm bà bị đột quỵ, nằm liệt giường. Không có di chúc, tinh thần bà An lúc nhớ lúc quên nên cậu con trai duy nhất yêu cầu họp gia đình, tuyên bố toàn bộ diện tích thuộc chủ quyền của mình.
Từ hôm đó, nhà bà An không ngày nào thiếu tiếng chửi bới, cãi cọ của 5 người con. Họ lôi đủ thứ chuyện, từ những xích mích thủa bé đến những chuyện không hài lòng nhau lúc trưởng thành để đấu tố ngay bên giường bệnh của mẹ.
Các cô con gái cho rằng, cứ theo di chúc miệng bà An nói trước đây để thực hiện, nhưng anh cả nhất quyết không đồng ý bởi lý luận: "Thừa kế tài sản là quyền lợi của đàn ông".
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, câu chuyện như gia đình bà An thường xảy ra ở Việt Nam bởi nhiều người vẫn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ, con trai nối nghiệp tổ tiên, còn "con gái là con người ta". Quan điểm này chi phối đến chuyện thừa kế tài sản của nhiều gia đình, gây ra bất hòa.
"Biểu hiện này thể hiện rõ hơn ở vùng nông thôn khi mọi người đối xử với nhau theo tập quán, truyền thống của gia đình, dòng họ", chuyên gia nói.
Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao về tình trạng tranh chấp thừa kế ở Việt Nam, từ khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, số vụ đã tăng nhanh liên tục qua từng năm. Ví dụ, năm 2017 số vụ án được thụ lý tăng 26,7% so với 2016, năm 2018 so với 2017 cũng tăng với tỷ lệ tương đương, năm 2019 so với năm 2018 cũng tăng đến 27%.
Là người từng xử lý nhiều vụ kiện tụng vì tranh chấp tài sản thừa kế, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòngluật sư Tinh thông luật cho rằng, mâu thuẫn xảy ra phần lớn do cha mẹ không để lại di chúc trước khi mất, phân chia tài sản bằng miệng hay làm di chúc bằng văn bản không đúng quy định pháp luật. Cách làm này theo ông Bình tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây hậu quả không mong muốn cho các con và cũng có thể trái với ý muốn của cha mẹ.
Luật sư cho rằng khi còn minh mẫn, khỏe mạnh cha mẹ nên lập sẵn bản di chúc hợp pháp đề phòng trường hợp không may xảy đến. Theo Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm cha mẹ qua đời). Lúc này, người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản theo nội dung được nêu trong di chúc. Nếu không có, sau khi cha mẹ mất, tài sản thừa kế sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật.
"Như vậy, thay vì nghĩ đến thời điểm cho con tài sản thừa kế, cha mẹ nên nghĩ đến thời điểm lập di chúc", ông Bình khuyên.
Tuy nhiên, theo vị luật sư, phân chia ra sao, vào thời điểm nào, có nên chia hết tài sản một lúc hay không cũng rất quan trọng, bởi nhiều cha mẹ lo sợ khi chuyển giao hết quyền sử dụng tài sản cho con lại bị đuổi ra khỏi nhà. Chỉ đến khi pháp luật can thiệp mới đòi lại được tài sản do lỗi con cái gây ra.
Ngoài ra nếu cha mẹ phân chia tài sản sớm vẫn có thể gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái hoặc giữa các con với nhau. Ông Bình từng gặp những vụ vì phân chia không công bằng mà cha mẹ bị con cháu từ mặt, lời nói không đúng mực thậm chí là có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng.
Vợ chồng ông Minh Sơn, 70 tuổi, ở Nghệ An từng xấu hổ với hàng xóm khi phải mang bát hương thờ tổ tiên rời khỏi nhà khi mâu thuẫn với con trai và con dâu lên tới đỉnh điểm. Trước đó vài tháng, họ trao quyền thừa kế mảnh đất và ngôi nhà cho cậu con trai duy nhất, mong muốn người này sẽ nuôi dưỡng bố mẹ tới cuối đời.
Trước đây, vợ chồng ông Sơn được con trai đối xử khá tốt, thỉnh thoảng còn được biếu hộp sâm hay quần áo mới. Nhưng khi chuyển giao hết tài sản, ông bà thường xuyên bị con dâu nói bóng gió là "ăn hại" do tay chân yếu, đi lại hay ăn uống đều khó khăn.
Ông Sơn cùng vợ nhiều lần muốn chuyển đến nhà con gái gần đó nhưng con trai kiên quyết ngăn cản, cho rằng "thông đồng với nhau để chiếm đoạt tài sản". Gần đây vì đánh rơi bát cơm, ông tiếp tục bị con dâu xúc phạm. Lần này người đàn ông ở tuổi thất thập bàn với vợ thu gom những gì quý giá nhất sang ở nhà con gái, dù sau đó liên tục bị con trai gọi điện xúc phạm, thậm chí vác dao đến dọa dẫm. Cùng đường, người đàn ông này phải nhờ đến pháp luật can thiệp.
Trường hợp tự nguyện chuyển giao tài sản cho con cái sớm như nhà ông Sơn, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng có thể chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tài sản theo ý muốn bởi pháp luật không quy định. Dù vậy, nên có sự ràng buộc nhất định với quyền và nghĩa vụ của con cái hoặc ít nhất phải nhờ cá nhân, cơ quan chức năng làm chứng, giám sát thậm chí là xử lý nếu có vi phạm về việc quản lý, sử dụng tài sản thừa kế nhằm tránh những biến cố có thể xảy ra như con cái lật lọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích của cha mẹ.
Riêng đối với tài sản thừa kế, theo luật sư, không cần phải công khai cho con cái biết để tránh những tranh chấp không đáng có. Hơn nữa, pháp luật cũng cho phép cha mẹ có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc trước thời điểm mở thừa kế.
Luật sư Bình cũng cho rằng, để tránh tranh chấp cãi vã, quan trọng nhất là khi con cái còn bé, cha mẹ nên chủ động dạy bảo chúng tự mình nỗ lực phấn đấu thay vì ỷ lại vào người khác. Hơn nữa cũng nên đối xử bình đẳng với các con, coi tình cảm gia đình đặt lên hàng đầu.
"Đây là việc nên làm để giúp con cái dự liệu trước các tình huống có thể phát sinh, đặc biệt là được tặng thừa kế sớm", luật sư nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Đỗ Minh Cương cho rằng từ khi con cái còn nhỏ, cha mẹ cần phải dạy tính tự lập, tự chủ với cuộc sống và tự lo liệu cho bản thân khi trưởng thành, đồng thời phải tính toán cho việc dưỡng già sau này. Nếu có điều kiện bố mẹ vẫn có thể cho con cái tiền, tài sản, đất đai trong trường hợp đã đạt được mục tiêu dưỡng già và có dư.
Dù vậy, theo ông Cương, quan trọng nhất của vấn đề vẫn nằm ở yếu tố gia đình. Nếu ngay từ bé trẻ được giáo dục về sự yêu thương, gắn kết giữa các thành viên, sẽ không xảy ra tranh chấp tài sản trong tương lai.
"Suy cho cùng, đất đai hay tài sản theo thời gian sẽ vơi đi, còn tình cảm gia đình tuy là thứ vô hình nhưng lại vô giá", ông Cương nói.