Thêm nhiều trường đại học top đầu miền Bắc tăng chỉ tiêu
Trường Đại học Điện lực, Giáo dục, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông vừa công bố phương án tuyển sinh 2024, cơ bản các phương thức đều như năm ngoái.
Năm nay, Trường Đại học Điện lực dự kiến tăng chỉ tiêu lên 3.930 (năm 2023 là 3.650 chỉ tiêu).
Trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét học bạ THPT (40% chỉ tiêu); xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (55% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp (5% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (không giới hạn chỉ tiêu).
Nhà trường sử dụng 4 tổ hợp gồm: A00 (toán, vật lý, hóa học); A01 (toán, vật lý, tiếng Anh); D07 (toán, hóa học, tiếng Anh); D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh).
Với phương thức xét học bạ THPT, đợt 1, nhà trường tổ chức nhận hồ sơ xét tuyển từ 4/3 - 20/6 với lệ phí 100.000 đồng/thí sinh. Thí sinh muốn xét tuyển học bạ cần nộp trực tiếp hồ sơ hoặc qua đường bưu điện tới bộ phận tuyển sinh, Phòng Đào tạo của trường.
Để đăng ký xét tuyển học bạ THPT, thí sinh cần bảo đảm điểm xét tuyển phải đạt từ 18 điểm trở lên. Dự kiến vào tháng 7/2024 nhà trường sẽ thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sẽ tiếp tục thực hiện các bước đăng kí nguyện vọng trên hệ thống đăng ký của Bộ GD&ĐT theo hướng dẫn của nhà trường.
Thí sinh theo dõi chỉ tiêu dự kiến theo các ngành đào tạo sau đây:
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, với 5.200 chỉ tiêu (4.280 chỉ tiêu năm 2023) cho cả 2 cơ sở.
Năm 2024, học viện dự kiến tuyển sinh đào tạo 22 ngành, chương trình (tăng 3 ngành, chương trình so với năm 2023). Trong đó, trường dự kiến tuyển sinh mới các ngành, chương trình: quan hệ công chúng, thiết kế và phát triển game, công nghệ thông tin Việt – Nhật.
Trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo các chương trình chất lượng cao. Cụ thể gồm các chương trình chất lượng cao: công nghệ thông tin, marketing số, kế toán theo chuẩn quốc tế ACCA. Tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 600 chỉ tiêu.
Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực/tư duy, thí sinh phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 từ 75 điểm trở lên; điểm đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2024 từ 600 điểm trở lên; điểm đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 từ 50 điểm trở lên.
Năm 2024, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển sinh 1.150 chỉ tiêu (1.100 chỉ tiêu năm 2023) đào tạo sư phạm (500 chỉ tiêu) và ngoài sư phạm (650 chỉ tiêu).
Năm nay, nhà trường tổ chức các phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức; xét các phương thức tuyển sinh khác theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cụ thể, ở phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức phải đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên. Thí sinh đạt 750/1200 điểm trở lên do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Trường Đại học Giáo dục tuyển sinh theo nhóm ngành. Chỉ tiêu tuyển sinh (dự kiến) theo nhóm ngành/ngành của từng phương thức tuyển sinh cụ thể như sau:
Nhà trường tuyển sinh với 5 nhóm ngành gồm: Nhóm sư phạm toán và khoa học tự nhiên (mã GD1); nhóm sư phạm ngữ văn, lịch sử, lịch sử và địa lý (mã GD2); nhóm khoa học giáo dục và khác (mã GD3); ngành giáo dục tiểu học (mã GD4); ngành giáo dục mầm non (mã GD5).
Nhà trường cũng lưu ý, điểm trúng tuyển theo từng nhóm ngành không phân biệt tổ hợp xét tuyển. Với thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non, trường sẽ tổ chức thi đánh giá năng khiếu.
Thí sinh không bắt buộc phải có kết quả đánh giá năng khiếu trước khi đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh được công nhận trúng tuyển khi đáp ứng đồng thời các tiêu đạt điểm chuẩn theo quy định và đạt về đánh giá năng khiếu.