Góc nhìn

Lương hưu cho người Việt

ANDRÉ GAMA (Theo VnE) 10/03/2024 10:11

Giám đốc Chương trình An sinh Xã hội, ILO Việt Nam

luonghuuchonguoiviet_1.jpg
An sinh xã hội Việt Nam sẽ từng bước cải thiện, mang lại sự bảo vệ và an toàn cho người dân. (Ảnh minh họa)

Là trụ cột gia đình nuôi bốn người con trong nhiều thập kỷ, sự ra đi của ông để lại một khoảng trống quá lớn không thể lấp đầy. Vào những thời điểm như thế này, gia đình tôi - giống như bất kỳ gia đình nào trên thế giới, từ Bồ Đào Nha đến Việt Nam - đã đoàn tụ và hỗ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian đau buồn này, có một điều mà không ai trong gia đình tôi phải suy nghĩ tới: tiền bạc.

Gia đình tôi có thể toàn tâm tập trung vào lo hậu sự cho ông, vào tình yêu thương và việc ở bên cạnh nhau... là nhờ có an sinh xã hội.

Với hơn bốn thập kỷ cống hiến và dành phần lớn cuộc đời cho một quốc gia có hệ thống an sinh xã hội toàn diện, ông tôi sống tốt từ ngày nghỉ hưu và có khoản mai táng phí khi qua đời. Bà tôi - người đã ở nhà chăm sóc gia đình cả đời - giờ đây sẽ được hưởng trợ cấp tuất.

An sinh xã hội đã trở thành một điều kiện sẵn có và bình thường trong cuộc sống ở Bồ Đào Nha, đến mức chúng tôi gần như coi đó là điều hiển nhiên. Bởi vì chúng tôi biết rằng hầu hết những người cần sẽ được bảo hiểm xã hội hỗ trợ và bảo vệ. Thế hệ của tôi và những thế hệ sau này được nuôi dưỡng trong một "nền văn hóa an sinh xã hội" - nơi an sinh xã hội là nguyên tắc chung cho toàn bộ, chứ không phải cho một nhóm dân số.

Vì vậy, khi nhìn về tương lai, điều ước của tôi là từ năm Giáp Thìn, an sinh xã hội Việt Nam sẽ từng bước cải thiện, mang lại sự bảo vệ và an toàn cho người dân, tạo ra một Việt Nam có nền văn hóa an sinh xã hội - nơi tất cả cùng đóng góp để bảo vệ lẫn nhau - trở thành chuẩn mực.

Tôi có niềm tin đó khi nhìn vào một năm tiềm năng với những chính sách đang được tập trung và phát triển trở lại ở Việt Nam.

Việc Quốc hội dự kiến ban hành Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi vào tháng 5 sẽ là bước tiến quan trọng bởi hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc là nền tảng chính để cung cấp bảo hiểm bền vững cho một lượng lớn người lao động tại Việt Nam.

Không kém phần quan trọng, Luật Việc làm sẽ được sửa đổi trong năm 2024 nhằm xác định những cách tốt nhất để cải thiện hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, giúp đỡ người lao động tiếp cận tốt hơn với việc làm, đặc biệt là trong thời kỳ có những biến chuyển vĩ mô về năng lượng, dân số hoặc công nghệ cũng như khủng hoảng toàn cầu thường xuyên như đại dịch và chiến tranh.

Còn với những người không thể tham gia bảo hiểm xã hội, Việt Nam cũng đang sửa đổi Nghị định 20/2001/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội, nhằm tiếp tục cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho những nhóm người dễ bị tổn thương.

Bên cạnh những nỗ lực này, Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận về mốc thời gian phê chuẩn Công ước C102 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Tiêu chuẩn An sinh xã hội tối thiểu. Điều này sẽ biến Việt Nam thành quốc gia ASEAN đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước quốc tế quan trọng nhất về an sinh xã hội trên thế giới.

Và tất cả những thay đổi tích cực này đều được lên kế hoạch trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh, khi Việt Nam tiếp tục được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm tới.

Hơn thế, những thay đổi này song hành với sự tiến bộ của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam trong vài thập kỷ qua. Dựa trên dữ liệu hiện có, chúng ta thấy rằng số người được hưởng trợ cấp xã hội đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, từ 2,2 triệu người vào năm 2013 lên 3,5 triệu người vào năm 2023 (tăng 60%). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội cũng tăng trưởng nhanh chóng, từ khoảng 23% lực lượng lao động vào năm 2015 lên 39% vào năm 2023.

Tuy nhiên, con đường này không tránh khỏi những thách thức.

Việc sửa đổi các chính sách cần phải tiếp tục được đánh giá dựa trên cả các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất, để đảm bảo việc thiết kế và thực hiện chúng phù hợp nhất và đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhưng đồng thời, sự điều chỉnh này lại cần phù hợp với thực tế của Việt Nam - đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng vẫn là một quốc gia thu nhập trung bình.

Trong suốt quá trình, cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo các nhóm dễ bị tổn thương hơn như người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ các chương trình an sinh xã hội khác nhau - cũng như từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam - và không ai bị bỏ lại phía sau.

Để vượt qua trở ngại, điều quan trọng hàng đầu là phải tăng đầu tư cho an sinh xã hội. Điều này không chỉ có nghĩa là tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và địa phương, mà còn phải tăng số lượng người lao động và doanh nghiệp đóng góp và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi vì đó chính là cốt lõi của nền an sinh - toàn xã hội cùng nhau đóng góp, tập hợp nguồn lực và tài chính để giúp đỡ những người cần sự hỗ trợ nhất.

Có thể độc giả sẽ đặt câu hỏi: vậy Việt Nam cần bao lâu nữa để đạt tới sự phát triển về hệ thống an sinh xã hội như Bồ Đào Nha. Sự thật là Việt Nam đang đi trên cùng một con đường với Bồ Đào Nha. Lấy ví dụ như bảo hiểm thất nghiệp: Bồ Đào Nha bắt đầu áp dụng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 1984, cách đây 40 năm. Tại Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp lần đầu tiên có hiệu lực vào năm 2009, thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội được thông qua vào năm 2006 - cách đây gần 20 năm.

Do đó, điều quan trọng nhất là con đường song song mà cả hai quốc gia đã thực hiện để phát triển hệ thống an sinh xã hội, ngay cả khi bắt đầu từ các thời điểm khác nhau do bối cảnh lịch sử riêng của mỗi quốc gia. Dựa trên bối cảnh đó, cũng như sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực tăng cường hệ thống an sinh xã hội, tôi tin đây chỉ là vấn đề thời gian, để hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam tiến gần hơn đến các thông lệ quốc tế tốt nhất.

ANDRÉ GAMA (Theo VnE)