Ẩm thực

Chè xanh Côn Sơn

TIẾN MẠNH - TUẤN ANH 09/03/2024 17:00

Những cây chè ở khu di tích Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) bám rễ núi Kỳ Lân kì bí, hút sinh khí đất trời để sinh chồi, nảy lộc. Chè xanh Côn Sơn nấu với nước giếng Ngọc linh thiêng cho ra thứ thức uống mang sắc, hương, vị đặc biệt.

img_8793.jpg
Cây chè xanh sinh trưởng và phát triển ở vùng đất thiêng Côn Sơn, lại được nấu với nước giếng Ngọc đã cho ra thức uống khác biệt hẳn với chè xanh ở những nơi khác

5 nương chè phía sau ngôi chùa cổ

Nhiều lần về Côn Sơn nhưng phải đến lễ hội mùa xuân vừa rồi, chúng tôi mới biết nơi này có 5 nương chè. Có lẽ vì phong cảnh của chốn "tùng lâm đẹp đẽ" này quá cuốn hút, những nương chè lại "ẩn mình" dưới tán cây, dây leo nên chẳng nhiều người để ý.

img_8713.jpg
Không nhiều người biết dưới sườn núi Kỳ Lân, phía sau chùa Côn Sơn có 5 nương chè với hàng trăm gốc. Nhiều gốc có niên đại cả trăm năm tuổi nhưng vẫn sinh chồi, nảy lộc quanh năm

Dẫn chúng tôi đi thăm nương chè phía sau chùa Côn Sơn, Thượng toạ Thích Thanh Viễn, trụ trì chùa Côn Sơn chia sẻ: "Ở sườn núi Kỳ Lân phía sau chùa hiện có 5 nương chè nằm rải rác với hàng trăm gốc. Hàng chục cây có niên đại từ 80-100 năm".

Nhiều cây chè "cụ" đã sống gần 100 năm qua, thân cao 2-3m, vỏ xù xì, mốc meo.

img_8717.jpg
Lá chè xanh Côn Sơn có màu xanh thẫm, dày khi đạt độ thu hái

Ấy vậy mà phía trên ngọn, những đọt non vẫn đua nhau vươn mình hứng mưa xuân. Cây bám rễ sâu tận lòng đất, hút sinh khí đất trời để cho thân, lá tươi xanh.

"Bí kíp" ủ trà của sư trụ trì

img_8695.jpg
Thượng toạ Thích Thanh Viễn rót trà mời khách

Trong phòng khách chùa Côn Sơn, Thượng toạ Thích Thanh Viễn mời chúng tôi thưởng trà. Khác với nước chè xanh chúng tôi từng uống ở nhiều nơi, nước chè xanh Côn Sơn có màu xanh như ngọc. Đưa lên mũi đã cảm nhận rõ mùi thơm đặc trưng. Uống một ngụm, cảm nhận ngay được vị chát nhè nhẹ, ngay sau đó chuyển sang vị ngọt thanh lan từ đầu lưỡi xuống cuống họng.

img_8707.jpg
Anh Phùng Văn Nguyện, phóng viên Thời báo Mê Kông tỏ vẻ ấn tượng với chè xanh Côn Sơn khi lần đầu được thưởng thức

Thượng toạ Thích Thanh Viễn cho biết: "Tôi có cách riêng để ủ chè, cũng đơn giản thôi. Cách nấu chè tươi này nhiều bà con trong khu vực này cũng đến học rồi đấy".

img_8728.jpg
Các phật tử chùa Côn Sơn phụ giúp hái lá chè vào buổi sáng mỗi ngày

Theo thầy Viễn, nên hái chè vào buổi sáng. Khi hái, không được tuốt cả nắm lá như nhiều người vẫn làm mà phải nhẹ nhàng bứt từng lá một. Lá chè dùng để nấu nước phải bảo đảm "8 không": không non, không già, không cong, không queo, không eo, không vẹo, không sứt, không mẻ.

img_8756.jpg
Lá chè sau khi thu hái được rửa nhẹ nhàng nhiều lần với nước sạch, tránh bị dập nát

Lá chè xanh sau khi thu hái sẽ cho vào chậu nước sạch ngâm, dùng tay khuấy nhẹ rồi rửa từng lá nhưng không được để dập nát. Rửa đi, rửa lại lá chè cho đến khi thấy sạch, vớt ra rổ để ráo nước.

Trong văn hoá uống trà, có 5 yếu tố để có thể thưởng thức trà ngon là "nhất nước, nhì trà, tam bôi, tứ ấm, ngũ quần anh". Tức là để có trà thơm ngon thứ quan trọng nhất là nước dùng để pha (với chè khô) hoặc ủ (với lá chè tươi). Ở Côn Sơn, nước dùng để ủ chè xanh được lấy từ giếng Ngọc phía sau chùa, nằm kế bên Lầu Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát.

img_8741.jpg
Nước giếng Ngọc thuần khiết, tinh tuý

Giếng Ngọc là một trong những điểm di tích đặc biệt ở khu di tích Côn Sơn. Đây được coi là huyệt mạch linh thiêng, nơi hội tụ dòng nước nguồn thuần khiết và tinh túy nhất của ngọn núi Kỳ Lân kỳ bí. Dù nằm trên sườn núi cao gần 200 m so với mực nước biển, nhưng giếng Ngọc chưa khi nào cạn nước, quanh năm trong mát, ngọt lành, được sử dụng phục vụ các lễ tiết của chùa, du khách hành hương...

Nước giếng Ngọc là nguyên liệu quan trọng hàng đầu để làm nên thức uống chè xanh Côn Sơn khác lạ, đặc biệt. Dù có bình siêu tốc nhưng khi ủ chè, Thượng toạ Thích Thanh Viễn yêu cầu đệ tử phải đun nước bằng bếp củi. Bởi theo trụ trì chùa Côn Sơn, nước pha chè nấu theo cách này sẽ giữ được sự thuần khiết, thanh tao, có mùi thơm hơn.

img_8771.jpg
Lá chè xanh khi cho vào bình cũng phải làm một cách nhẹ nhàng, từ từ để tránh bị dập nát

Trong khi chờ nước sôi thì từ từ cho lá chè xanh đã ráo nước vào trong bình âm dương. Khác với nhiều người vẫn vò hoặc vặn lá chè khi cho vào bình ủ, Thượng toạ Thích Thanh Viễn lại không làm việc này mà chỉ để nguyên bản. Những lá nào bị rách nát đều bị loại.

img_8779.jpg
Sau khi đã rót nước vừa đủ vào trong bình, lượng nước nóng còn thừa sẽ được dội lên trên bề mặt bình âm dương để tăng độ nóng, cũng sạch sẽ hơn

Đổ nước đã sôi già vào bình ngâm từ 5-7 phút, sau đó úp ngược bình xuống một cái rổ đợi cho róc nước. Bước cuối cùng là đổ nước sôi lần 2 vào bình rồi cho vào dành tích ủ chè xanh, đợi từ 20-30 phút sau là có thể thưởng thức. "Nói là bí kíp chứ thực ra cách làm đơn giản mà. Ủ từ sáng đến tối mà vẫn bảo đảm 3 yếu tố là sắc, hương, vị", Thượng toạ Thích Thanh Viễn nói.

img_8794.jpg
Nước chè xanh Côn Sơn để cả ngày cũng không có váng, cặn bẩn hay bị chuyển sang màu đỏ

Một điều nữa cũng khiến chúng tôi ấn tượng là nước chè xanh Côn Sơn không có váng hay có vẩn, cặn, khi rót ra cốc không hề có bọt như thường thấy.

Về với đất Phật, chúng tôi may mắn khi lần đầu được thưởng thức chè xanh Côn Sơn, được nghe sư trụ trì chia sẻ những bài học ý nghĩa về văn hoá thưởng thức chè, đặc biệt là cách pha, cách rót, cách mời chè, cách bưng cốc uống và mối liên hệ mật thiết của những hành động này với đạo đức, tâm tính, văn hoá... của mỗi người.

"Về Côn Sơn, nếu có ai muốn thưởng thức nước chè xanh thì hãy qua phòng khách của nhà chùa", Thượng toạ Thích Thanh Viễn nhắn nhủ.

TIẾN MẠNH - TUẤN ANH