Khoa học - Công nghệ

Nguy cơ gây cháy nổ laptop

T.H (theo VnExpress) 08/03/2024 11:15

Pin quá nóng, củ sạc không chính hãng hay tiếp điểm không tốt gây đánh lửa điện là những nguyên nhân phổ biến làm laptop bị cháy.

a1-1780-1629134828.jpg
Một chiếc MacBook Pro bị cháy pin khi đang sử dụng

Các nghiên cứu cho thấy có ba nguyên nhân chính khiến máy tính xách tay dễ gây nổ hoặc cháy là pin tích hợp quá nóng, linh kiện tích tụ bụi không thể thoát nhiệt gây cháy hay các tiếp điểm đánh lửa từ dây, đầu phích cắm điện.

Trong số đó, phần lớn các vụ cháy laptop đều liên quan đến pin - thành phần quan trọng nhưng cũng là linh kiện nhạy cảm liên quan đến an toàn của thiết bị. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến pin của máy bị quá nóng và phát nổ.

Các máy tính xách tay hiện nay đều sử dụng pin lithium-ion và đều bị nóng lên trong quá trình sạc. Nếu vừa sạc vừa sử dụng, nhiệt độ tăng càng cao. Khi để pin nóng lên nhiệt độ trên 150 độ C, các tế bào pin sẽ không ổn định và giải phóng khí cháy gây nổ. Việc nóng lên của pin khi sạc nằm trong tính toán của nhà sản xuất nên ở điều kiện sử dụng thông thường, laptop gần như không thể bị nổ pin.

Các mẫu laptop sử dụng lâu sẽ tích tụ nhiều bụi khiến việc thoát nhiệt trở nên khó khăn hơn, pin cũng sẽ nóng nhiều hơn khi sạc hoặc sử dụng cường độ cao. Một số người có thói quen đặt laptop trên chăn, nệm để sử dụng cũng khiến máy khó thoát nhiệt và bịt các khe thoát nhiệt của máy. Nếu để thời gian dài, hoàn toàn có thể gây cháy nổ pin. Laptop vì vậy được khuyên sử dụng ở các vị trí thoáng mát, bề mặt phẳng. Ngoài ra, việc vệ sinh thường xuyên cũng rất cần thiết bằng cách dùng máy hút bụi hoặc máy thổi bụi, hoặc mang đến các trung tâm bảo dưỡng để thực hiện.

Pin laptop thông thường có chu kỳ sạc xả tốt nhất sau 500 lần đầu tiên, sau đó sẽ giảm nhanh theo thời gian. Một chu kỳ sạc xả được tính từ khi sạc đầy 100% đến khi dùng hết. Nếu pin thường xuyên bị nóng trong quá trình sử dụng, tuổi thọ của pin cũng nhanh xuống hơn. Dung lượng pin giảm theo thời gian không phải nguyên nhân gây ra cháy nổ nhưng trong một số trường hợp, nó có thể ảnh hưởng đến mạch điều khiển, gián tiếp gây ra hiện tượng quá nóng trên laptop.

Một bộ sạc ngoài cho pin laptop. Ảnh: Igoodsaver
Một bộ sạc ngoài cho pin laptop

Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người dùng có thể vừa sạc pin vừa sử dụng miễn là đáp ứng yêu cầu về điều kiện sử dụng không làm máy quá nóng. Với một số dòng laptop thế hệ mới, vừa dùng vừa sạc thậm chí còn giúp tuổi thọ pin lâu hơn do hạn chế được chu kỳ sạc xả của pin.

Pin laptop cần được thay chính hãng để có chất lượng đảm bảo cũng như sự đồng bộ giữa mạch và cell pin. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng muốn thay pin không chính hãng để tiết kiệm chi phí. Ngoài chất lượng cell, các mạch điều khiển pin "hàng ngoài" cũng có chất lượng kém, việc kiểm soát dòng và nhiệt không tốt rất dễ gây cháy nổ.

Ngoài pin không chính hãng, củ sạc không chính hãng cũng là nguyên nhân đáng kể gây ra hiện tượng cháy nổ. Các mẫu sạc này thường cho dòng điện không ổn định, không có các mạch bảo vệ để cắt giảm chi phí khiến pin bị ảnh hưởng nhiều. Sau một thời gian, pin có thể bị hỏng gây ra cháy nổ hoặc thậm chí chính củ sạc bị hiện tượng này.

Ngay cả với sạc và pin chính hãng, sau một thời gian sử dụng, điểm tiếp xúc có thể bị ảnh hưởng, gây ra hiện tượng đánh tia lửa điện. Người dùng không nên sử dụng củ sạc khi dây dẫn không còn nguyên vẹn hoặc đầu cắm có dấu hiệu bị chập chờn.

Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ khi dùng laptop, người dùng nên:

1. Sử dụng sạc chính hãng.

2. Vệ sinh kỹ laptop, nếu không có kỹ năng vệ sinh laptop, hãy tìm đến các cửa hàng máy tính.

3. Khi laptop bị rơi vỡ, có dấu hiệu lạ hay hư/chai pin, cũng hay lập tức mang máy đến các trung tâm uy tín để kiểm tra, sửa chữa.

4. Không đặt laptop lên các bề mặt cản trở việc tản nhiệt, gây nóng máy như nệm, gối, mền, sofa,…

5. Nếu phát hiện laptop nóng đột ngột hay nóng một cách bất thường, hãy tắt máy và chờ đợi máy mát hơn trước khi sử dụng lại. Đôi khi việc này xảy ra không hẳn do phần cứng mà là có ứng dụng bị lỗi đang gây ảnh hưởng tới hoạt động của máy, đặc biệt các phần mềm bẻ khóa, nhiễm virus.

T.H (theo VnExpress)