Những “bóng hồng” trên sới vật
Đấu vật vốn được nghĩ là môn thể thao dành cho phái mạnh, còn phụ nữ chỉ quen nội trợ, bếp núc… Nhưng nhiều người phải thay đổi suy nghĩ khi thấy những "bóng hồng” ở thôn Lâm Đồng, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đấu vật.
Phái đẹp “lên ngôi”
Những ngày này, nhiều chị em ở thôn Lâm Đồng hăng say tập luyện để chuẩn bị cho buổi đấu vật kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 tại nhà văn hóa thôn. Vừa hướng dẫn lớp trẻ thực hiện các thao tác, bà Bùi Thị Tươi, một trong những nữ đô vật của thôn cho biết, khi vào sới vật, sau động tác chào khán giả, đối phương, các động tác xe đài rất quan trọng. “Đây là đặc trưng của đấu vật. Động tác xe đài tượng trưng cho tập quán, sinh hoạt của cộng đồng dân cư từ xa xưa như quăng chài, kéo lưới, cuốn chỉ... Không chỉ đúng kỹ thuật, các đô vật cần biểu diễn đẹp, khỏe khoắn và khoan thai”, bà Tươi nói. Tiếp đến, khi vào trận, cần tận dụng sơ hở, ra các miếng bốc một, bốc đôi, sang sau, gồng, mói… để hạ đối thủ. Tuy nhiên, vật nữ khác với vật nam ở chỗ không quá mạnh mẽ mà uyển chuyển, tùy hứng và tự do hơn.
Xã Văn Tố nổi danh với lò vật đã hình thành và duy trì qua nhiều thập kỷ. Các đô vật nam ở đây từng tham gia nhiều giải đấu, lễ hội lớn trong huyện, tỉnh và giành nhiều thành tích. Những năm gần đây, các đô vật nữ xuất hiện như một làn gió mới trên sới vật tại các lễ hội làng, sự kiện quan trọng trong thôn, xã.
Anh Nguyễn Văn Thành, một đô vật nam ở xã Văn Tố cho biết, anh từng thi đấu môn vật ở nhiều nơi nhưng khi trở thành khán giả, xem các bà, các cô thi đấu mới thấy vật nữ có sức hấp dẫn riêng. “Các miếng đòn mộc mạc, chân thật, có gì đó tinh tế, nhẹ nhàng. Nhiều pha bất ngờ khiến khán giả cười hả hê, nghiêng ngả”, anh Thành nói.
Có lẽ vì thế, vật nữ luôn thu hút đông khán giả. “Lúc thăng hoa trên sới vật chính là giây phút phái đẹp lên ngôi. Đây vừa là phong trào rèn luyện sức khỏe, vừa là hoạt động thể hiện bình đẳng giới, hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, đề cao người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại”, ông Đỗ Trọng Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Tứ Kỳ khẳng định.
Giữ gìn, phát huy truyền thống
Năm 2019, nhân sự kiện thôn Lâm Đồng đón bằng công nhận làng văn hóa, các chị trong thôn thống nhất thử sức giao lưu đấu vật. “Tôi nhớ hôm ấy, vừa xong nhiệm vụ làng giao làm hơn trăm mâm cỗ, vẫn quần áo hoa, chân trần, chị em tôi tiến thẳng lên sới vật”, bà Bùi Thị Thương nhớ lại.
Bà Tươi là đối thủ của bà Thương trong lần đầu tiên ra sới vật năm đó. Bà Tươi bồi hồi: “Trên sới vật cảm giác lạ lắm. Mọi người cổ vũ, hò reo khiến mình phấn khích hẳn lên. Cảm thấy vui sướng, tự hào vì mình đã tiếp nối, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống của cha ông”.
Các bà, các chị ở đây kể rằng, đô vật đã có trên quê hương họ từ lâu lắm. Trước năm 1975, thôn Lâm Đồng (trước là thôn Đông Lâm) có một lò vật do hai cụ Nguyễn Thanh Sen và Nguyễn Văn Đệ đứng ra thành lập. Có giai đoạn, lò vật của hai cụ phát triển, thu hút hàng trăm thanh niên trong vùng đến tập luyện.
Bà Nguyễn Thị Chín (con gái cụ Sen) hiện là một trong những thành viên tích cực tham gia tập luyện và biểu diễn đấu vật mỗi khi thôn, xã có sự kiện. "Có lẽ được sinh ra trong gia đình có truyền thống, quê hương có phong trào phát triển nên từ bé, các kỹ thuật, thế đánh của đấu vật đã ăn vào máu của tôi từ lúc nào không biết”, bà Chín nói. Cứ thế lớn lên, tiếp xúc và quan sát, học hỏi từ các thế hệ đi trước, những người như bà Chín đã thuần thục các thế đánh môn đấu vật một cách tự nhiên.
Tất cả 6 thôn của xã Văn Tố đều có nam giới biết đấu vật nhưng nữ giới thì chỉ ở thôn Lâm Đồng. Không có thống kê cụ thể nhưng có tới hàng chục chị em trong thôn biết đấu vật, chủ yếu từ 51-61 tuổi. Khi tham gia các hoạt động lễ hội, sự kiện quan trọng của thôn, xã, họ lại cắt cử nhau tập luyện, chọn ra những đô vật tiêu biểu nhất tham dự.
Ông Đỗ Trọng Hà cho biết thêm, với những giá trị tốt đẹp mà môn vật nữ truyền thống ở Văn Tố mang lại, thời gian tới, trung tâm sẽ tham mưu UBND huyện Tứ Kỳ nhân rộng hơn nữa phong trào này ra nhiều xã.