Góc nhìn

Có nên yêu cầu doanh nghiệp đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động?

TRƯƠNG HÀ 09/03/2024 7:30

Đề xuất doanh nghiệp đóng phí bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động có thể khiến các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động gặp khó.

bao-hiem-y-te.jpg
Bảo hiểm Xã hội huyện Kim Thành phối hợp Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hải Dương trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân hoàn cảnh khó khăn ở xã Lai Vu (ảnh tư liệu)

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án nhằm tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó có phương án bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động.

Cụ thể, nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại do người lao động cùng chủ sử dụng lao động đóng. Trong đó, người lao động đóng 1/3, chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (mức tương tự như trách nhiệm đóng đối với nhóm người lao động).

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong nước, trong đó có Hải Dương bị nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế, hoạt động còn khó khăn. Theo thống kê, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 25 tỷ đồng. Riêng TP Chí Linh, đến ngày 31/12/2023 đã có hơn 100 doanh nghiệp nợ thuế. Trong tháng 2/2024, toàn tỉnh có 28 doanh nhân là chủ doanh nghiệp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế... Tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động còn chậm, thuế còn nợ thì việc quy định đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân lao động sẽ rất khó thực hiện.

Khi được hỏi về đề xuất đưa thân nhân lao động vào diện đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, chủ một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực may mặc ở huyện Kim Thành cho rằng đề xuất này nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận cao của người lao động. Nhưng với người sử dụng lao động thì sẽ thêm một gánh nặng, thậm chí sẽ là cản trở lớn đối với doanh nghiệp. Theo chị này, với hơn 300 lao động làm việc thường xuyên, hằng năm doanh nghiệp của chị phải bỏ ra hàng tỷ đồng để đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nếu phải đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động thì mỗi năm doanh nghiệp sẽ phải “cõng” thêm một khoản chi phí rất lớn.

Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi ở TP Hải Dương cũng cho biết nếu phải bỏ thêm khoản phí đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động nữa thì sẽ rất khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn có nhiều lao động.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có gần 1,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ dân số toàn tỉnh hơn 92%. Đề xuất chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân lao động là đề xuất nhân văn, giúp mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Song theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm thì chính sách này chỉ nên khuyến khích để doanh nghiệp và người lao động cùng thỏa thuận khi ký kết hợp động lao động. Các chính sách cần tránh gây thêm sức ép lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.

Hiện gần 8% số dân trong tỉnh chưa tham gia bảo hiểm y tế. Đối với các hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn đều đã có các chính sách, hoạt động hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Với mức tiền phí không quá cao thì nguyên nhân chính người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Do đó, tuyên truyền, vận động giúp thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng tham gia bảo hiểm y tế có vai trò rất lớn. Đây cũng chính là giải pháp căn cơ để mở rộng, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân một cách bền vững.

TRƯƠNG HÀ