Anh Hoàn "sơ vơ"
Bây giờ anh Hoàn không hề để ý đến biệt danh Hoàn "sơ vơ" mọi người đặt cho mình. Thậm chí anh còn tự hào vì biết rằng có nhiều người mong được hạnh phúc như gia đình anh.
Ở chỗ làm, anh Hoàn được mọi người đặt biệt danh là Hoàn "sơ vơ" (sơ vơ là cách nói khác của từ sợ vợ). Lúc đầu anh cũng giận lắm, cho rằng mọi người chế giễu mình nên còn giải thích, phân bua. Nhưng sau này thì anh chẳng giận nữa nên ai gọi anh thế, anh cũng vui vẻ bảo: "Mình sợ vợ mình chứ có phải sợ vợ người khác đâu, có gì mà ngại. Mà tôi nói thật, mọi người thấy tôi sợ vợ ở chỗ nào? Những việc tôi làm là chia sẻ việc nhà với người phụ nữ của mình, yêu thương và tôn trọng cô ấy. Gia đình tôi vì vậy mà lúc nào cũng hạnh phúc, êm ấm". Thấy anh Hoàn nói đúng, cánh đàn ông không ít người chột dạ, cánh đàn bà nghĩ đến hoàn cảnh của mình thì có người không khỏi tủi thân.
Anh Hoàn sinh ra trong một gia đình mà bố anh vốn có tính gia trưởng. Hằng ngày, anh thấy bố luôn trịch thượng, yêu cầu mẹ phải làm cái này cái kia. Chỉ cần mẹ anh làm không đúng ý là bố anh sẽ nhiếc móc thậm tệ hoặc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khiến mẹ anh nhừ đòn. Không ít lần vì bị chồng đánh đau quá, mẹ anh đã ngất đi. Lúc còn nhỏ, anh chỉ biết đứng nhìn bố đánh mẹ. Đến khi lớn hơn, anh đã chạy vào ngăn cản nhưng cũng bị bố đánh oan. Thậm chí, bố anh còn bảo: "Thằng này, mày xem bố dạy vợ để sau này mà còn học tập. Trong gia đình đừng để đàn bà nó lấn lướt mình, nghe chưa!".
Anh Hoàn thương mẹ nên không đồng ý với quan điểm của bố. Thậm chí anh còn khuyên mẹ nên ly hôn với bố để tự giải thoát cho mình. Nhưng mẹ anh vốn thương con, trọng nghĩa nên bà đành nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận cuộc sống ấy. Cách đây mấy năm, bố anh bị tai nạn, sức khỏe giảm sút hẳn, mọi sinh hoạt gần như phải cậy nhờ vào người khác. Sự chăm sóc chu đáo của vợ cộng với những lời phân tích nhẹ nhàng của các con khiến tâm tính của ông thay đổi. Có lần ông còn gọi anh Hoàn vào, bùi ngùi nói với con trai: "Bố biết sai rồi. Thời gian qua, bố đối xử thật là tệ bạc với mẹ của các con. Bố chỉ mong mẹ con tha lỗi cho bố. Sau này, khi lập gia đình, con đừng giống bố mà hãy chia sẻ, yêu thương vợ mình".
Rồi cũng đến ngày anh Hoàn lập gia đình. Rút kinh nghiệm từ cuộc sống của bố mẹ mình, anh tự nhủ phải đối xử tốt với vợ. Anh tìm đọc nhiều tài liệu về đời sống hôn nhân với mong muốn thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với người bạn đời của mình. Anh rất tâm đắc với lập luận cho rằng không phải những người đàn ông làm việc nhà cho vợ, chiều vợ, nghe lời nói phải của vợ là sợ vợ. Thật ra đó là họ tôn trọng, yêu thương và sẵn sàng sẻ chia với vợ. Không có công việc nào trong gia đình là của riêng phụ nữ hay đàn ông. Có chăng thì đó là sự áp đặt bất công. Sự thấu hiểu của người đàn ông với vợ mình là rất quan trọng trong việc bồi đắp hạnh phúc gia đình.
Vậy nên, sau giờ làm, anh chủ yếu về nhà cùng vợ vào bếp nấu cơm. Khi vợ sinh con thì cấp độ chăm lo cho vợ con của anh càng tăng lên. Anh còn đặt ra nguyên tắc là mỗi tháng chỉ ăn uống vui vẻ với bạn bè một vài lần để giữ mối quan hệ, còn lại là dành cho gia đình. Có lần bạn bè đến nhà ăn cơm, thấy anh Hoàn xăm xắn vào bếp. Ăn xong, anh còn không ngại ngần bê mâm bát đi rửa để vợ gọt hoa quả mời khách. Nhìn cảnh ấy, có người mỉa mai: "Anh Hoàn khéo phải mua cái váy về mặc nhỉ". Biết ý, để chồng không mất mặt, vợ anh vội đứng dậy ra rửa bát thay anh, nhưng anh gạt tay bảo: "Em cứ gọt hoa quả cho sạch sẽ, để anh làm. Cần mua váy thì anh đã mua lâu rồi". Cũng sau lần ấy, anh Hoàn mới có biệt danh là Hoàn "sơ vơ".
Giờ thì anh Hoàn không hề để ý đến biệt danh ấy nữa. Thậm chí anh còn tự hào vì biết rằng nhiều người tuy ngoài mặt có phần chế giễu nhưng trong lòng lại thầm mong làm được như anh để có được hạnh phúc ấm áp như gia đình anh đang có.