Công phu khảo cứu “Hải Phòng - những trầm tích thời gian”
Tập khảo cứu "Hải Phòng - những trầm tích thời gian" của tác giả Tô Ngọc Thạch được xây dựng công phu, mang nhiều giá trị phát hiện, cung cấp cho bạn đọc những tư liệu tươi mới, hấp dẫn.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học thứ 3 của tác giả Tô Ngọc Thạch với quy mô lớn, rộng hơn. Tác giả rất công phu trong tiếp cận, khám phá, biểu hiện kiến văn sâu rộng của một người cầm bút trước đối tượng nghiên cứu và phản ánh.
Là nhà văn, nhà nghiên cứu tâm huyết với mảnh đất quê hương, Tô Ngọc Thạch xác lập: Hải Phòng là miền đất có vị trí vô cùng quan trọng và chiến lược trong quá trình lịch sử xây dựng, cũng như bảo vệ non sông đất nước. Đây là vùng đất đồng bằng xen kẽ với núi đồi, gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đồng bằng xứ Đông Bắc Bộ.
Vùng núi Hải Phòng có người tới sinh sống từ rất xa xưa, còn phần đồng bằng được hình thành từ thời sau Công nguyên trở lại đây. Đặc biệt, những nơi giáp biển thì mới được hình thành và còn đang tiếp tục được hình thành.
Mỗi mảnh đất ở một thời kỳ nào đó, được ví như một “lớp trầm tích” về lịch sử hành chính, con người, đời sống văn hóa, giáo dục... Trong quá trình hình thành vùng đất ven biển này đã xuất hiện rất nhiều “lớp trầm tích” chồng lấn, hòa nhập với nhau.
Hàng mấy thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu có danh tiếng trong và ngoài nước đã viết về Hải Phòng với nhiều chủ đề và góc nhìn khác nhau. “Hải Phòng - Những trầm tích thời gian” của nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thạch đã bổ sung vào “pho tư liệu quý” một hướng tìm. Đấy là “cái mỏ” phong lưu, giàu có, là khoảng sáng mà nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã nghiên cứu chuyên sâu, dày công khơi mở.
Tô Ngọc Thạch là nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, quê Hải Phòng. Gần bốn chục năm qua, ông đã có hàng chục đầu sách được xuất bản, bao gồm văn xuôi, khảo cứu, thơ, bình luận văn học và dịch thuật. “Hải Phòng - Những trầm tích thời gian” với gần 1.000 trang viết được tác giả chọn lựa, công bố từ những cuộc điều tra điền dã, nghiên cứu. Đây là sản phẩm đáng nâng niu, trân quý của một người cầm bút luôn say sưa, tâm huyết, miệt mài điền dã với tình yêu quê hương, cội nguồn đất mẹ. Đây cũng là quá trình tích lũy của nhiều năm sống, ý thức gom nhặt và suy ngẫm của Tô Ngọc Thạch, một “nhà văn - nhà Hải Phòng học,” trước ngưỡng vọng về vùng đất và con người quê mình.
Trong rất nhiều tư liệu về “Hải Phòng - Những trầm tích thời gian”, có thể nói, nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thạch đã làm sáng dậy rất nhiều điều huyền bí, sinh động và kỳ thú, mà lần đầu tiên được ra mắt bạn đọc. Ví như: Cái tên Hải Phòng có từ bao giờ? Thần sắc thời phong kiến Việt Nam. Sự nhầm lẫn thần tích của các Thành hoàng. Danh sách đền miếu được xếp hạng thời Đồng Khánh. Gian nan đi tìm Thần sắc cho Nữ Thánh Chân. Ấp An Biên nào ở Hải Phòng có trước...
Đó là thông tin tư liệu về các bãi cọc gỗ ven sông Bạch Đằng; văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu còn có sự nhầm lẫn; thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành; nguồn gốc mảnh đất Kiến An; nguồn gốc khu công nghiệp Đình Vũ; làng Mõ có từ bao giờ; ngôi làng “Độc nhất vô nhị”; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với sông Kim; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với sông Hàn; Những nghệ nhân tài hoa bậc nhất Việt Nam...
Đặc biệt, về giáo dục và đào tạo, trải dài gần 1.000 năm ở thiên niên kỷ trước, triều đình phong kiến Việt Nam đã tổ chức 185 lần thi đại khoa và chọn ra được gần 3.000 tiến sĩ Nho học, trong đó Hải Phòng có 94 vị, xếp thứ 11 cả nước. Trong số gần 3.000 nhà khoa bảng trên, có 56 vị đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (tức Trạng nguyên), thì Hải Phòng có tới 3 vị, xếp thứ 5 các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Theo các tư liệu, sử sách đã xuất bản tại Trung ương cũng như ở Hải Phòng, tác giả Tô Ngọc Thạch đã loại ra một số nhà khoa bảng không phải là người quê Hải Phòng và bổ sung thêm cho thành phố này khá nhiều nhà khoa bảng khác. Đây cũng là lớp trầm tích văn hóa không thể thiếu trong “Những trầm tích thời gian”.
Ở những trang cuối “Hải Phòng - Những trầm tích thời gian”, Tô Ngọc Thạch đã giành phần văn xuôi khá sinh động cho độc giả hiểu thêm về “Những người Hải Phòng đầu tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta” và 8 bài tản văn hấp dẫn viết về một số nét văn hóa độc đáo của miền đất ven biển nơi đây.
Sự phát hiện, lật tìm những trầm tích lịch sử văn hóa trong tập sách này, làm phong phú thêm góc nhìn của những người quan tâm tới lịch sử văn hóa, địa chính trị với vùng đất ven biển của tỉnh Hải Dương thời phong kiến, từ cuối thế kỷ XIX là Hải Phòng, một miền quê ven biển đầy nắng gió, nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Tập sách “Hải Phòng - Những trầm tích thời gian” có một tư liệu quý hiếm là tập bản đồ gốc thời Nguyễn của toàn bộ các huyện, phủ, tỉnh của 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Yên trước thời Đồng Khánh (1866) ghi bằng chữ Hán và được dịch ra quốc ngữ, nay là tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Ngoài ra còn có Bản đồ hành chính tỉnh Hải Dương, đạo Đông Triều, tỉnh Quảng Yên do người Pháp in năm 1891. Tập bản đồ hành chính của Cảng Hải Phòng và tỉnh, thành phố Hải Phòng do người Pháp in từ năm 1874 đến năm 1940 cũng được tác giả chuyển ngữ sang tiếng Việt.