Giáo dục

Hải Dương làm gì để hút học sinh học nghề sau THCS?

THẾ ANH 07/03/2024 11:00

Những năm qua, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS ở Hải Dương chưa đạt được mục tiêu, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.

94869633-f751-4758-9e3f-f8945a53d524(1).jpeg
Học sinh học mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương (Cẩm Giàng)

Lợi ích từ mô hình 9+

9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Sau 3 năm, học sinh được cấp bằng trung cấp nghề và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+ được Nhà nước miễn học phí học nghề.

Có thể nói, mô hình 9+ có nhiều lợi ích, giúp các em chọn nghề sớm phù hợp năng lực bản thân, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí và sớm gia nhập thị trường lao động trong khi vẫn có cơ hội liên thông học lên các trình độ cao hơn.

Mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương"; Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”. Các ngành liên quan và địa phương đều đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án này.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh. Các trường THCS cũng triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết bình quân mỗi tháng trường khảo sát chất lượng học sinh 1 lần. Căn cứ kết quả khảo sát và học lực, trường sàng lọc những em yếu để trao đổi sớm với phụ huynh cùng phối hợp giáo dục, theo dõi. Nếu học lực của các em không biến chuyển trong học kỳ II, trường sẽ tư vấn, định hướng nghề nghiệp sớm tới phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, trong các buổi họp phụ huynh, tiết học giáo dục hướng nghiệp, chào cờ, trường cũng chủ động tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp tới học sinh, phụ huynh. Với cách làm này, phụ huynh đều đồng tình và có lựa chọn đúng cho con em họ.

Sau nhiều lần khảo sát, điểm số của em Nguyễn Giang Sơn, lớp 9 Trường THCS Lai Cách (Cẩm Giàng) không được cải thiện. Sau khi được giáo viên tư vấn, định hướng, bố mẹ Sơn quyết định sẽ cho em học mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương sau khi em tốt nghiệp THCS.

“Những năm gần đây, tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS của trường đạt khoảng 30%. Trong đó có khoảng 20% số em sớm quyết định không thi vào lớp 10 THPT mà lựa chọn học các trường nghề, còn lại học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoặc định hướng khác”, cô Đức nói.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh tại các trường THCS, THPT trong tỉnh. Năm 2023, sở tổ chức 4 ngày hội, hội nghị tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, thu hút sự tham gia của 1.400 học sinh THCS, THPT trên địa bàn.

Nhiều rào cản

f2d3f070-e5be-479f-a2f3-f10711b6fc5f(1).jpeg
Nhiều học sinh lớp 9 Trường THCS Lai Cách (Cẩm Giàng) sẽ theo học mô hình 9+ sau khi tốt nghiệp THCS

Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, mục tiêu năm 2020 phấn đấu ít nhất 30%, năm 2025 ít nhất 40% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên hoặc tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp sau THCS của Hải Dương mới đạt trên dưới khoảng 20%.

Theo đánh giá của một số nhà quản lý giáo dục thì mục tiêu này khó đạt do nhiều nguyên nhân. Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết ngành giáo dục chỉ có chức năng tư vấn, định hướng, cung cấp thông tin, còn quyền quyết định ở phụ huynh và học sinh. Nhiều phụ huynh, học sinh còn đặt nặng vấn đề bằng cấp và loại hình đào tạo là rào cản lớn để thực hiện công tác phân luồng.

Còn ông Nguyễn Công Quang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ cho rằng người dân chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn hạn chế về đội ngũ giáo viên, cơ cấu các bộ môn dạy nghề còn thiếu. Số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS đăng ký vào học đông nhưng trung tâm chưa đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và ăn ở. Cơ chế chính sách về đào tạo, sử dụng lao động còn hạn chế, chưa thu hút được học sinh học nghề. Việc liên kết đào tạo với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Thầy Trần Nam Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hoàng Tân (TP Chí Linh) cho biết lứa tuổi học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng mà phụ thuộc vào quyết định của cha mẹ. Vì vậy, sau khi ra trường nghề, nhiều em không làm đúng nghề đã học hoặc không có việc làm. Việc này cũng là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh chưa tin tưởng để con theo học các trường nghề.

Các trường nghề thuộc tỉnh quản lý chưa có ký túc xá dẫn đến tâm lý phụ huynh không muốn cho con em mình đi học xa nhà khi không có người quản lý. Mặt khác, tiêu chí thi đua chất lượng thi vào lớp 10 THPT của các trường THCS cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác phân luồng…

Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 5 trường cao đẳng, trung cấp được phép dạy kiến thức văn hóa THPT tại trường. Ngoài ra, các trường cao đẳng, trung cấp và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp vừa dạy văn hóa THPT, vừa đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố.

Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đăng ký học giáo dục nghề nghiệp

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh THCS, THPT) phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp hướng nghiệp, phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, sẽ nghiên cứu chia sẻ cơ sở dữ liệu về tuyển sinh, tốt nghiệp các cấp học THCS, THPT để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khai thác và phối hợp trong phân luồng, hướng nghiệp và tuyển sinh, đào tạo. Nghiên cứu bổ sung trường thông tin cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại phần mềm Tuyển sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, để học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học giáo dục nghề nghiệp trên phần mềm, góp phần tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp.

Ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Hỗ trợ học phí học văn hoá cho học sinh

9+ là mô hình đào tạo được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí học nghề theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên. Học sinh học nghề được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí trong giai đoạn học trung cấp.

Đa số học sinh học mô hình 9+ đều có nhu cầu học các môn văn hoá. Do đó, các em vẫn phải đóng học phí học các môn văn hóa. Để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS học nghề, đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng về học phí học các môn văn hoá cho các em. Được biết, tại một số tỉnh, thành phố khác, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã có những chính sách ưu đãi khuyến khích, khen thưởng riêng các em học trung cấp trong giáo dục nghề nghiệp, tùy theo khả năng và điều kiện.

Ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương

Phụ huynh cần thay đổi tư duy

Học sinh tốt nghiệp THCS khi ở lứa tuổi 15. Đây là độ tuổi các em chưa thể định hướng được nghề nghiệp. Do đó, phần lớn quyết định do phụ huynh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có tâm lý để con làm "thợ" thay vì cố học làm "thầy". Nhiều phụ huynh vì sĩ diện, không cho con em mình lựa chọn vào trường nghề. Đây là rào cản lớn nhất khó thu hút học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ, nắm chắc học lực của con, từ đó thay đổi tư duy, quan điểm phải cho con học lớp 10 bằng được. Xu hướng học nghề từ sớm, phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình sẽ thúc đẩy sự trưởng thành, bản lĩnh và trách nhiệm của học sinh với bản thân, gia đình, tạo động lực cho khơi mầm sáng tạo và khởi nghiệp cho các em...

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn)

Trường nghề cần tham gia tư vấn và xây dựng thương hiệu

Tại Hải Dương đã có trường tư vấn, định hướng quá mức, khiến phụ huynh hiểu nhầm là bị ép buộc không cho con em họ thi vào lớp 10 THPT. Vì vậy, trong quá trình phân luồng, hướng nghiệp, ngoài vai trò của giáo viên tư vấn và khuyên nhủ học sinh sớm học nghề sau lớp 9 thì rất cần các trường nghề tham gia tư vấn.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con vào học ở trường nghề liệu có được quản lý tốt như ở trường THCS không, chất lượng sẽ ra sao. Vì vậy, để hút học sinh, các trường nghề phải xây dựng thương hiệu, cung cấp những dịch vụ có chất lượng, đào tạo những ngành, nghề trúng với nhu cầu xã hội, người học khi ra trường được cơ quan, doanh nghiệp đón nhận và họ có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp; được trả mức lương tương xứng.

Thương hiệu và chất lượng của nhà trường, thông tin học sinh có việc làm sau khi ra trường phải được công khai, tuyên truyền sâu rộng tới người dân. Thương hiệu và chất lượng của trường nghề cũng là căn cứ để giáo viên tư vấn hiệu quả cho học sinh và phụ huynh. Có như vậy, phụ huynh mới tin tưởng gửi gắm con em mình.

Anh Trần Văn Phong ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)

THẾ ANH