Lều cỏ trên thảo nguyên
Lều cỏ trên thảo nguyên là nơi Sước và Miên hò hẹn. Dù tình duyên không thành nhưng họ vẫn tìm đến nhau để làm những việc hữu ích cho quê hương.
Mấy đêm trước, rừng đón một trận mưa dữ dội, nước đổ về thảo nguyên cao tới ngọn những cây sung con, chiếc mảng của Sước bị mưa gió cuốn tốc mái cỏ tranh. Sước tìm cỏ tranh cắt, phơi khô, chằm lại mái lều, chiếc mảng như được khoác chiếc áo mới. Không thấy Sước đem cá về, Nhạn đành nhón chân lên lấy miếng thịt trâu để dành trên gác bếp làm thức ăn.
Nhớ lần đầu gặp nhau, Sước đang chèo mảng, thấy Nhạn ngồi khóc bên gốc sung: “Em bị mất trâu”. Nhạn mải chơi với đám bạn, hết trèo lên ngắt sung chấm muối đến đuổi nhau trên những dải cỏ men làn nước xanh. Chiều buông xuống tìm đàn trâu lùa về thì không thấy: “Liệu chúng có lạc vào động Tiên, núi Song Bong không anh? Mất trâu thì về cha em đánh chết”. Sước bảo Nhạn lên mảng: “Đừng lo, chúng ta sẽ tìm thấy trâu!”.
Men theo dải cỏ ven chân núi, hai người đi sâu vào trong thảo nguyên. Nước mỗi lúc một xanh thẫm, nỗi lo mất trâu khiến mặt Nhạn tái xám đi. Cho đến khi trời sậm tối, cả hai chợt nhìn thấy mấy cái lưng trâu đen trồi lên giữa vòm cây lá thấp lúp xúp. “Trâu nhà em kia anh!”. Nhạn chỉ tay lên đường mòn ven chân núi: “Em đi theo đường mòn kia. Anh cứ đưa cái lều cỏ thảo nguyên này ra lùa bò đi!”. Giọng Nhạn mảnh mềm như sợi dây leo trổ hoa đang rủ xuống vách núi khiến lòng Sước chợt bảng hoảng. Nhạn, người con gái thứ hai gọi chiếc mảng của Sước là lều cỏ thảo nguyên. Nhạn làm Sước nhớ tới Miên.
*
Để làm được chiếc mảng có mái che như lều cỏ, Sước vào sâu trong rừng, tìm hạ những cây tre thẳng, thân to như bắp đùi, đốt dài gần sải tay. Sước ghép những cây tre thành một bè lớn. Lại cưa từng khúc tre dựng khung, phía trên mái lợp cỏ tranh. Làm xong, mảng của Sước trông như một lều cỏ, trong khi mảng của anh em khác chỉ căng bạt làm mái. Mùa mưa, nước nhiều. Sước chèo mảng vào sâu trong thảo nguyên ngập nước, chăn bò, bắt cá, hay trèo lên núi tìm măng, hái rau rừng, đều những việc quen tay. Chiều cuối tuần, Miên thường hẹn đi chơi với Sước. Hôm ấy có hẹn, nhưng Miên lại tới muộn.
Sước chờ Miên, nằm ngửa trên mảng nghe nước đổ ào ào về thảo nguyên từ mấy con suối, con lạch. Miên tới, mặc áo hoa, tóc búi cao ngửa cổ trắng ngần lên trời nhìn những đám mây xanh đang trôi, liếc mắt lá răm nhìn Sước, cười: “Anh đợi em lâu vậy có nóng ruột không?”. Sước chạm khẽ vào tay Miên khi Miên đi ngang qua: “Cũng nóng ruột vì mãi em chưa tới, mà cũng không nóng ruột vì nghĩ rằng em sẽ tới”. Nhìn thấy trên mảng có ít củi rơm, Miên hỏi: “Nay anh còn có củi rơm nữa làm gì vậy?”. “Anh vừa bắt được mấy con cá ngon lắm, mình sẽ nướng cá em nhé? Bụng anh đang đói kêu ong óc đây”. Nước sóng sánh lên như lòng Sước đang sóng sánh khi nhìn thấy nụ cười và gò má ửng hồng của Miên. Sước cho mảng lách qua những gốc sung, gốc vả nghiêng cành rủ từng chùm quả xanh, quả chín, những cành gáo, cành mưng rủ hoa trắng, hoa đỏ. Miên ngồi thõng chân xuống nước, mắt miên miết ngắm thảo nguyên như thể lần đầu nhìn thấy. Trời xanh, núi xanh, nước xanh, cỏ dưới đáy nước cũng ánh lên xanh. Sước ước hai người sẽ đi mãi trong cảnh nguyên sơ, trong màu xanh bất tận này.
*
Khi thảo nguyên vẫn còn ngái ngủ giữa màn sương mờ, Sước đã lùa đàn bò sang đến bãi cỏ thả ở đấy. Lúc Sước quay ra đến đầu bãi thì mấy chiếc xe máy đã chở đoàn khách 9 người vào. Sước xuống mảng, trải lại manh chiếu hoa. Anh Ban dẫn theo một người đàn bà choàng tấm khăn voan trắng đi xuống: “Cô này đã chọn xuống mảng có mái lều cỏ của chú”. Sước giữ mảng cho khách bước xuống. Lúc Sước bắt đầu khua mái chèo thì người đàn bà bỏ khẩu trang ra, chủ động cất tiếng chào trước: “Chào anh Sước!”. Sước nhìn người, bất ngờ nhận ra Miên: “Ôi, Miên à em!”. Gò má Miên chợt ửng hồng: “Từ xa em đã nhận ra lều cỏ thảo nguyên của anh!”.
Mảng đi qua vùng nước nhỏ. Cành sung chín thẫm chạm vào vai Miên. Đến vùng nước rộng, mảng trôi chầm chậm, vách núi vẳng tiếng chim hót, cả tiếng hú của ai gọi bạn. Miên nhìn theo một cánh chim vừa bay xuống lùm cây trên vách núi: “Đã chín mùa nước lên ở thảo nguyên, em xa nơi này”. “Em thế nào?”. Miên mỉm cười: “Em vẫn làm may”. Sước không ngờ, hai vợ chồng Miên trước đều chỉ là công nhân may giờ đã là chủ với ba cơ sở may công nghiệp. Đợt này về, Miên khảo sát thị trường nhân lực và tìm địa điểm để mở một xưởng may ở ngay thị trấn. Con gái Miên đã năm tuổi, sắp vào lớp một. “Thế là hơn thằng cu nhà anh mấy tuổi rồi”. Miên chợt chỉ tay lên dẫy núi cao nhất phía trước mặt: “Kia có phải núi Song Bong, người ta đồn có động Tiên không anh?”. “Đúng rồi”. “Sau này đã ai tìm thấy và vào động Tiên chưa?”. Sước lắc đầu: “Anh không biết, vì có lạc vào rồi cũng chẳng trở ra được”. Sước dừng tay chèo, nghĩ vẩn vơ, chuyện Sước ở mãi trong thảo nguyên có khi nào cũng giống như người lạc vào động Tiên không?
*
“Em sẽ nhớ mãi thảo nguyên của chúng ta, sẽ nhớ mãi lều cỏ thảo nguyên của anh”. Lần ấy, lúc hai người dừng mảng lên bãi cỏ nhóm lửa nướng cá, Miên ngồi bó gối tư lự nhìn ra thảo nguyên nước xanh ngằn ngặt, khẽ nói. “Em vẫn ở đây sao đã bảo nhớ mãi?” - Sước chột dạ. Miên vẫn chảy theo dòng suy nghĩ của mình: “Anh còn nhớ câu chuyện ở Đồng Lâm, về động Tiên em kể cho anh nghe chứ?”. Sước gật đầu.
Câu chuyện kể về chàng thái tử Út con Ngọc Hoàng cưỡi Bạch Mã bay du ngoạn khắp nơi. Khi qua đây, chàng thấy một vùng đồng cỏ giữa những dãy núi đá, những cánh rừng bạt ngàn đã dừng chân xuống chơi. Chàng biến thành mục đồng làm quen với đám trẻ chăn trâu và cứ ở đấy chơi cùng chúng. Đến chiều tối, chàng chưa muốn về, bèn nói dối lũ trẻ, nhà ở xa, ngựa còn chưa căng bụng, sẽ ở đây chăn ngựa mấy hôm. Lũ trẻ giúp chàng dựng một chiếc lều cỏ, ngả tre làm giường, rải cỏ khô làm chiếu cho chàng và ngựa trắng. Đêm đó, mưa lớn ập xuống. Nước từ trong rừng, trên núi đổ xuống thảo nguyên, nước dềnh lên ngập khắp đồng cỏ. Nước dâng cao, lều cỏ của chàng Út với chiếc giường bằng bè tre cứ nổi lên theo. Chàng Út là người Trời nên mấy chuyện mưa gió sấm sét với chàng chỉ nhẹ như tiếng lá rơi qua, chàng ngủ say không biết gì. Gần về sáng có một trận gió to đã thổi lều cỏ của chàng xuôi theo dòng nước trôi vào một hang núi đá sâu thăm thẳm. Sáng hôm sau, lũ trẻ chăn trâu ra tìm cậu bạn mục đồng thì tịch chẳng còn thấy dấu vết nào nữa. Một lão tiều phu nói với bọn trẻ, lúc sáng sớm tới đây lão nhìn thấy có những tia sáng phát ra từ trong dãy núi Song Bong, lan đến Năm Tớ, Chục Rùa. Lũ trẻ không dám tìm đường vào. Về sau, người ta đồn, trong núi ấy có vàng, đã có mấy người lần mò tìm được lối vào nhưng không thấy ai trở ra. Chăn thả trâu, bò, ngựa, ai cũng sợ chúng lạc vào trong đấy, sẽ chẳng bao giờ tìm thấy chúng nữa.
“Câu chuyện về chàng thái tử Út đã ở lại cùng núi rừng, thảo nguyên” - Sước khẽ nói. Miên lắc đầu: “Biết đâu, qua động Tiên, chàng đã thức giấc và cùng Bạch mã bay về trời!”. Miên uống ngụm nước, thở mạnh một tiếng, nhìn Sước: “Câu chuyện kết thúc thế nào là do người nghe chứ không phải từ người kể. Cũng giống như cuộc đời vậy, ta phải chọn là người nghe của câu chuyện cuộc đời mình, Sước ạ!”. Biết Sước vẫn chưa hiểu mình muốn nói điều gì, Miên tiếp: “Nếu anh là chàng Út, anh muốn mình sẽ bay lên hay muốn mình mãi mãi ở trong núi đá?”. Sước lúng túng: “Anh... anh... chưa hiểu ý em?”.
“Em chán ngồi bán mấy thứ hàng khô ở chợ rồi. Ngôi chợ chính phiên cũng một nhúm người. Em sẽ ra đi anh ạ”. Sước nắm lấy tay Miên áp lên ngực mình: “Sao lại vội vàng thế? Chúng ta đã hẹn cưới nhau vào mùa xuân khi thảo nguyên xanh cỏ non, thắm sắc hoa đào mà em!”. Miên đứng lên, nhìn thẳng vào mắt Sước: “Nhưng em muốn đi ra ngoài rừng núi. Anh có dám đi cùng em không?”. Sước thấy người bỗng hụt một cái như vừa sa chân xuống hang hun hút. “Em biết... Em sẽ đi một mình”.
Miên ra đi từ đó.
*
Mảng cứ trôi. Sước nghe được cả tiếng cá quẫy dưới đáy. Đây là khúc cuối trong thảo nguyên, nước sâu nhất và nhiều hang hốc nên cá hay tụ về đây. “Em muốn xem anh câu cá”. Sước thả cần.
Chưa đầy năm phút sau, cá cắn câu, Sước giật cần, một chú cá chép to bằng bàn tay treo lơ lửng trên sợi cước. Miên đi tới, đòi gỡ cá. Loay hoay một lúc, Miên cũng cho được chú cá vào xô. Sước lại thả câu. Tiếng con chim chìa vôi phá tan khoảng im lặng. Mấy chú cá đến gần lại lạng ra. Miên kể cũng từng đi câu cá cùng mọi người trong khu hồ câu ngoại thành nhưng cảm giác không như đi câu cá trên thảo nguyên mùa nước nổi. Những ngày mưa rả rích, Miên muốn được trở lại Đồng Lâm. Muốn đốt một đống củi trên bãi cỏ mấp mé mặt nước để nướng cá ăn. Để ngắm thảo nguyên. Để dõi mắt tìm xem đâu là lối vào động Tiên. Để nhìn thấy một cái lều cỏ nổi trên mặt nước. Sước bỗng cầm tay Miên: “Mỗi lần chèo mảng vào đây ngồi câu cá, anh lại nhớ em!”. Miên đặt bàn tay còn lại lên tay Sước. Trong khoảnh khắc, Sước bất ngờ ôm lấy Miên và gắn môi lên môi Miên. Miên đẩy Sước ra, đỏ mặt: “ Không. Miên và Sước đều đã có gia đình!”. Sước thở những hơi mạnh: “Anh xin lỗi Miên, tại anh không kiềm chế được!”. Miên nhìn Sước: “Ngày xưa, khi chúng mình bên nhau, nếu anh biết ôm em thế này, có khi em đã chẳng bỏ đi”. “Lúc ấy anh khờ khạo quá!”. “Mỗi người đều đã chọn con đường riêng của mình. Em đang có dự định về mở homestay ngay trên mảnh đồi của cha mẹ để lại, mong muốn góp phần đẩy mạnh khu du lịch cộng đồng nơi đây. Em biết, anh là người rất hiểu thảo nguyên và nhà sàn, em muốn mời anh làm việc cho em trong dự án lần này”. Miên vừa nói dứt, Sước đã xua tay: “Anh chỉ biết mỗi chèo mảng, có biết làm gì đâu em”. Miên cười, đôi mắt lá răm ánh lên niềm vui: “Em đang cần tìm một người như vậy thôi”.
Chợt mảng anh Ban tới: “Xe đang đợi, mà điện thoại thì mất sóng, không gọi được. Mấy cô chú nhờ tôi quay vào gọi cô đi ngay, một tiếng nữa sẽ có cuộc gặp gỡ với các anh lãnh đạo huyện”. Miên chùm kín khăn lên má: “Vâng, mình ra đi anh. Anh Ban đi cùng chúng em chứ?”. Anh Ban gật đầu: “Vâng. Tôi được giao nhiệm vụ về phụ trách ở khu du lịch Đồng Lâm này đã hai năm. Các anh ấy bảo muốn nghe chia sẻ của người trực tiếp phụ trách trong buổi gặp gỡ này”. Mảng anh Ban đi trước, mảng Sước đi sau. Chẳng mấy đã ra tới đầu bãi. Lúc Sước giữ mảng cho Miên bước lên bờ, Miên quay lại bắt tay chào Sước: “Anh nhớ lời đề nghị của em nhé. Mong sớm gặp lại anh!”.
*
Đêm ấy, trời đổ mưa rầm rập, đó là trận mưa tiễn mùa.
Sáng ra, Sước mở cửa nhìn xuống thảo nguyên, thấy nước mở biên độ mênh mông hơn. Đứng bên bậu cửa, Sước trầm tư nghĩ ngợi về nguồn nước trong thảo nguyên. Núi đồi cao bao nhiêu sẽ dồn nước xuống thảo nguyên bấy nhiêu. Con người cũng vậy, chẳng thể đánh mất núi đồi trong lòng mình.
Sước vào làm mồi câu cá rồi men theo lối mòn xuống đầu bãi. Chiếc mảng của Sước vẫn mang trên nó lều cỏ. Sước đẩy mảng trôi vào thảo nguyên. Mặt trời nhú lên trên đỉnh núi, những tia nắng ban mai xuyên qua rừng cây soi xuống làn nước xanh lấp lánh. Thảo nguyên đang thức dậy.