Thi môn nào vào THPT để học sinh khỏi học lệch?
Hải Dương vẫn chưa công bố môn thi vào THPT. Liệu đây có phải biện pháp hay để chống học lệch?
Năm nay, môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT của Hải Dương được tỉnh dự kiến công bố sau ngày 10/3, muộn hơn nhiều tỉnh, thành phố khác. Lý giải việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây là biện pháp để tránh tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào môn thi THPT của học sinh.
Chưa bao giờ kỳ thi tuyển sinh THPT lớp 10 lại nóng như mấy năm gần đây. Nhiều người cho rằng kỳ thi này còn căng thẳng hơn thi vào đại học.
Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT công lập mấy năm nay thường chỉ chiếm từ 52 -53% số thí sinh tốt nghiệp THCS, còn lại là lớp 10 tư thục, giáo dục thường xuyên và học nghề 9+. Trong khi tâm lý của đa số phụ huynh mong con em mình trúng tuyển vào học trường công nên cuộc cạnh tranh vào lớp 10 THPT công lập càng trở nên căng thẳng. Cả phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo dạy lớp 9 đều hồi hộp chờ công bố môn thi vào lớp 10.
Nhiều năm nay, kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hải Dương chỉ có 3 môn, 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, môn thứ ba là một trong các môn tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử. 2 năm gần đây nhất, tiếng Anh được chọn là môn thi thứ ba. Việc lựa chọn tiếng Anh làm môn thi thứ ba được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ, bởi nhiều trường đã tập trung cho học sinh ôn tập 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh ngay từ đầu năm học cuối cấp, thậm chí sớm hơn, ngay từ lớp 6 học sinh đã được học chương trình củng cố, nâng cao kiến thức cho 3 môn học này.
Sự lo lắng về tình trạng học lệch khi biết môn thi thứ ba quá sớm không phải không có lý. Chừng nào chương trình dạy học còn nặng về xu hướng học để thi thì chừng đó tình trạng học lệch còn diễn ra. Học lệch ở đây được hiểu là học sinh chỉ tập trung vào các môn thi mà bỏ qua các môn học còn lại. Thậm chí, có trường các thầy cô giáo sẵn sàng tạo điều kiện để học sinh đạt điểm cho các môn còn lại trong chương trình để dồn sức luyện thi. Thành tích học sinh thi đỗ lớp 10 THPT công lập cũng là thước đo đánh giá năng lực, uy tín của trường.
Học lệch như vậy có nên không? Câu trả lời đương nhiên là không. Mục tiêu của chúng ta là giáo dục toàn diện. Các môn học trong chương trình giúp học sinh có kiến thức, hiểu biết cơ bản trong nhiều lĩnh vực. Mục đích của học tập, như UNESCO đề ra là "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình". Học chỉ để trải qua một kỳ thi lý thuyết, nói cách khác chỉ giúp học sinh rèn kỹ năng giải đề thi. Đây hẳn là điều không ai mong muốn, nhưng rõ ràng những căng thẳng, áp lực của việc phải thi đỗ lớp 10 THPT đã đẩy nhiều học sinh vào tình trạng này.
Cũng có ý kiến lý giải việc học lệch theo khía cạnh khác. Đó là, chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, mỗi người đều có năng lực, sở trường riêng, không nên kỳ vọng học sinh phải học giỏi tất cả các môn. Các em cần đạt mức yêu cầu cơ bản trong chương trình và có thể đạt mức xuất sắc cho môn học thuộc sở trường của mình. Sự “lệch” này được lý giải là do năng khiếu, tố chất của học sinh. Trong trường hợp này, học sinh học lệch có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không rất khó nói. Tài năng chỉ là cá biệt, nhưng cũng cần nghĩ cách để không bỏ sót.
Làm thế nào để giải bài toán học lệch? Công bố môn thi thứ ba muộn có phải là cách hay không? Tôi cho rằng không cần thiết phải làm vậy. Chúng ta có thể xây dựng phương án thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm với 3 môn được cho là cơ bản gồm toán, ngữ văn, tiếng Anh, đồng thời đưa ra yêu cầu các trường THCS thực hiện nghiêm chương trình giáo dục đã đề ra, rồi kiểm tra, đánh giá nghiêm túc các môn học. Ngoài việc định hướng học sinh chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường, cũng nên tính đến việc mở các lớp chuyên biệt dành cho học năng khiếu nghệ thuật, thể thao... trong trường THPT với phương thức tuyển sinh riêng, tạo cơ hội để học sinh phát triển theo những hướng khác nhau, góp phần tạo ra một lớp người đa dạng trong xã hội.