Chuyện làm đường ở An Phượng
Làm đường hay thực hiện nhiệm vụ khác trong phát triển kinh tế - xã hội ở xã An Phượng (Thanh Hà, Hải Dương) trước đây từng là việc khó. Tuy nhiên, với sự kiên trì “bám dân” của cán bộ địa phương, nhân dân xã An Phượng đã dần đồng thuận với các chủ trương của Đảng, chính quyền, điển hình là cùng hiến đất làm đường.
Nhân dân đồng thuận
Chúng tôi đi qua đoạn đường mới thênh thang về UBND xã An Phượng, không còn thấy cảnh đường lầy lội, nhiều ổ voi, ổ gà như trước. Lãnh đạo, cán bộ xã ai cũng phấn khởi nhưng vui vẻ nhất là người dân, bởi họ được thụ hưởng những lợi ích từ con đường đẹp ngay đầu xuân mới.
Gia đình ông Nguyễn Danh Lâu ở thôn Ngoại Đàm tự nguyện hiến nhiều đất nhất trong giai đoạn 1 làm đường huyện 190D qua xã An Phượng. Ông Lâu vui vẻ nói: “Gia đình tôi hiến 150 m2 đất làm đường. Chúng tôi kinh doanh nhiều mặt hàng nên khi có đường mới thuận lợi hơn hẳn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, xe cộ của khách đỗ, dừng thoải mái mà không sợ ảnh hưởng đến giao thông”.
Dù biết giá trị đất ngày càng cao, “tấc đất, tấc vàng”, nhưng ông Lâu đã khuyên nhủ vợ con đồng thuận với chủ trương của cấp ủy, chính quyền, thay đổi suy nghĩ, tích cực đóng góp vào sự đổi mới của quê hương.
Tinh thần đó đã lan tỏa từ gia đình này đến gia đình khác. Vì thế, ông Nguyễn Đắc Độ (cùng thôn Ngoại Đàm) đã hiến 120 m2 đất để mở rộng đường 190D. Gia đình ông không tiếc công tháo dỡ, phá bỏ dãy tường bao và 2 bộ cửa cổng mới xây lắp trị giá khoảng 700 triệu đồng để nhường mặt bằng. Với ông Độ, đó là việc làm cần thiết, không chần chừ. “Mình là đảng viên, phải gương mẫu đi đầu, nhất là trong lúc địa phương cần”, ông Độ nói.
Tuyến đường 190D dài khoảng 6,5 km, được thi công làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 900 m đi qua thôn Ngoại Đàm và một phần thôn Văn Xuyên, cần giải phóng mặt bằng của 120 hộ. Cuối năm 2023, đơn vị thi công đã hoàn thiện giai đoạn 1. Giai đoạn 2 chủ yếu đi qua thôn Ngoại Đàm, dài 800 m, có 107 hộ ven đường cần tháo dỡ tài sản trên đất nay đã giải phóng xong, tháng 3 này sẽ bàn giao cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Còn lại giai đoạn 3 chưa thực hiện nhưng qua nắm bắt tình hình nhân dân đã đồng thuận cao.
Tuyến đường này được huyện Thanh Hà giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Xã An Phượng có trách nhiệm giải phóng mặt bằng “0 đồng” (vận động, tuyên truyền nhân dân hiến đất làm đường mà không đền bù tiền). Trong giai đoạn 1, nhân dân đã hiến gần 1.000 m2 đất, giai đoạn 2 chủ yếu là đất hành lang thuộc xã quản lý nhưng các hộ đã tự nguyện tháo dỡ công trình trên đất.
Bền bỉ “bám” dân
Năm 2021, An Phượng là xã cuối cùng của huyện Thanh Hà về đích nông thôn mới. Tình hình an ninh trật tự hạn chế kéo dài khiến cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở đây chậm tiến độ. Cũng chính vấn đề này làm cho địa phương khó thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khi huy động sức dân.
Giải phóng mặt bằng có đền bù đã là việc khó, nay thực hiện “0 đồng” lại càng khó hơn, nhất là ở địa phương còn nhiều khó khăn như An Phượng. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cấp ủy, chính quyền xã An Phượng đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết triển khai quyết liệt từng nhiệm vụ cụ thể.
Địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban. Cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhân dân các thôn để tuyên truyền, vận động.
Cán bộ, công chức xã đã dồn sức cùng Ban Chỉ đạo tích cực tuyên truyền người dân, người thân hiến đất. Ông Nguyễn Xuân Chinh, Bí thư Đảng ủy xã An Phượng cho biết có nhiều trường hợp, lãnh đạo và cán bộ xã phải vào nhà tuyên truyền, vận động năm lần bảy lượt mới thành công. Cùng với đó, Đảng ủy xã quyết liệt chỉ đạo cán bộ, đảng viên phải gương mẫu hiến đất, vận động người thân đồng thuận chủ trương của xã, huyện trong giải phóng mặt bằng. Nếu đảng viên không gương mẫu sẽ xem xét hạ thi đua, xếp loại vào cuối năm. Nếu là cán bộ, công chức thì lãnh đạo xã sẽ tạo điều kiện về thời gian để vận động người thân cho đến khi đồng thuận. Tuy nhiên, đến nay chưa phải dùng đến các biện pháp trên. Đối với người dân có đất mở rộng đường, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng xã đã tuyên truyền những thuận lợi, khó khăn khi hiến đất. Xã sẽ có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện đo đạc, làm hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhanh nhất. Người dân ven đường được xả thải qua hệ thống tiêu thoát nước 2 bên đường mới. Và điều lợi hơn cả là khi mở rộng đường, giá đất sẽ lên cao.
Ông Nguyễn Xuân Chinh cho biết thêm có được kết quả như vậy do sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, quyết tâm, đồng lòng của nhân dân. Lãnh đạo, cán bộ xã đã kiên trì “bám” dân, thuyết phục, tác động từ nhiều phía và tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.