Ký ức về hành, tỏi Kinh Môn trong tôi
Với mỗi người con của thị xã Kinh Môn (Hải Dương ) đều tự hào, hãnh diện về cây hành, cây tỏi quê hương đã nuôi lớn tuổi thơ bằng cả giá trị vật chất và tinh thần.
Hơn 20 năm trước, khi là một cậu bé, tôi vẫn thường theo bố mẹ, anh chị ra đồng làm đất, vật luống rồi trồng từng nhánh hành, nhánh tỏi xuống những luống đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng phù sa của sông Kinh Thầy đắp bồi ở vùng đất Kinh Môn quê tôi. Rồi tôi cũng cùng những thành viên trong gia đình ra đồng tưới tắm, chăm bón và thu hoạch hành, tỏi. Tôi nhớ, thường thì tầm tháng 9, tháng 10, khi chúng tôi bắt đầu vào năm học mới là vào vụ trồng hành, tỏi. Mỗi mùa hành, tỏi trôi qua là tôi thêm một tuổi mới, thêm một lớp mới.
Mặc dù hành, tỏi sinh trưởng và phát triển vào mùa đông - là mùa mà người ta ngại lội ruộng, ngại sờ vào nước lạnh - nhưng tôi lại luôn thích được ra đồng. Tất nhiên ngoài việc phụ giúp bố mẹ thì cũng là cơ hội để tôi được nghịch, để chơi một cách thỏa thích. Khi thì tôi nghịch nước ở những rãnh nước ở luống hành, luống tỏi; khi thì gom rơm rạ để nướng hành, tỏi rồi hơ hơ, thổi thổi ăn ở giữa cánh đồng mùa đông lộng gió… Ngày ngày ra đồng, được ngắm nhìn những mầm hành, tỏi nhú dần lên thật thú vị. Đó cũng lý do khiến tôi nao nức, mong chờ được ra đồng.
Trồng hành, tỏi thật công phu, thật lắm công đoạn. Bố mẹ tôi hầu như suốt ngày ở đồng để chăm bẵm cho cây sinh trưởng một cách tốt nhất. Ngày đó, không có nhiều phân hóa học như bây giờ nên tôi còn nhớ mẹ tôi thường gánh những thùng nước tiểu hay chở những bao phân hữu cơ ra đồng để chăm bón cho cây. Mà không chỉ mẹ tôi, những hộ dân khác cũng làm như vậy như một “phong trào”. Bởi cuộc sống ở quê không bỏ phí một thứ gì cả, tất cả đều là tài nguyên, tất cả đều có thể tái tạo.
Hơn 20 năm trôi qua rồi những làm sao tôi có thể quên được vị cay xè trên mắt, mũi mỗi khi tôi giúp mẹ tách từng nhánh hành giống để chuẩn bị trồng. Làm sao tôi có thể quên được những buổi sáng sớm, mẹ thường sai tôi ra ngoài đồng tỉa vài khóm hành tươi về rang cơm rồi những buổi chiều, mẹ lại sai tôi ra ngoài đồng tỉa vài cây tỏi về sào với tiết trâu (chứ không phải với thịt trâu, thịt bò). Mùi hành, tỏi gặp mỡ thơm phưng phức, bay từ nhà này sang nhà khác khiến lũ háu ăn như chúng tôi luôn trong cơn thèm khát. Làm sao tôi có thể quên được những ngày đi mót hành, mót tỏi từ những ruộng người ta đã thu hoạch rồi về bán cho lái buôn. Khi thì được 1-2 kg/ngày, khi thì ăn may được 6-7 kg/ngày, tính ra tiền cũng được 10-15 nghìn đồng. Tôi vốn không có tính ăn quà vặt nên những đồng tiền đó lại tích cóp vào lợn nhựa, phục vụ công việc học hành.
Mùa thu hoạch hành, tỏi có năm đến sớm, năm đến muộn nhưng thường rơi vào dịp cận và ngay sau Tết Nguyên đán. Có lẽ vì thế mà người dân quê tôi đã “sinh ra” một khái niệm cũng rất độc đáo: Được mùa hành, tỏi thì ăn Tết to còn không được mùa thì ăn Tết nhỏ. Tôi còn nhớ những năm mưa phùn gió bấc, cuống thì lụi mà đất thì dính chặt vào củ nên không thể nào dùng tay nhổ hành được. Khi đó, tôi phải dùng thuổng đào từng khóm hành rồi lại kỳ công rũ những cục đất trên những củ hành. Như hiện nay, hành, tỏi thu hoạch về là được xếp trên những “nhà” treo (là những khung sắt hàn lên thành nhà) còn ngày trước nhà tôi thường treo hành, tỏi lên bất cứ chỗ nào có thể, như trên cành cây vải, cành na, cành mít rồi bờ tường… Những hôm chạy mưa, những hôm che bạt lên những túm hành, tỏi cũng là những ký ức thường nhật trong tôi.
Hành, tỏi hiện nay có giá khá cao và nhiều người nông dân đã giàu lên từ hành, tỏi. Nhưng trong ký ức của tôi thì ngày ấy hành, tỏi rất rẻ. Tôi cũng đã cùng mẹ mỗi người một chiếc xe đạp, chở những bao hành, tỏi to tướng vượt qua con dốc Mông cao lù để ra ngoài Phúc Thành (nay là xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn) mà chỉ được cỡ 100-200 nghìn đồng. Có năm mẹ tôi bảo, trừ mọi chi phí “đầu vào” thì bán hành, tỏi coi như đủ vốn và khi ấy chủ yếu lấy công làm lãi… Làm nông nghiệp khó khăn là thế, vất vả là vậy nhưng không ai từ bỏ. Ngày ấy, không một ai bỏ ruộng cả. Họ vẫn kiên trì trồng và trồng, rồi gieo niềm hy vọng về một vụ mùa bội thu như gieo niềm hy vọng vào những người con của mình vậy. Trong ký ức, tôi còn nhớ những khuôn mặt buồn rầu, thất thần của bố mẹ khi hành, tỏi xuống củ không to, bị lụi sớm, giá rẻ. Bởi vì vào mùa đông ở vùng nông thôn như khu vực tôi thì người dân còn biết trông chờ vào đâu ngoài cây hành, cây tỏi. Đó chính là tiền ăn uống, sinh hoạt; là tiền đóng học phí cho tôi và anh chị…
Những bao hành lớn, bao hành bé đã đưa tôi đến với cổng trường đại học. Tôi nhớ những đợt ăn Tết xong, khi tôi chuẩn bị lên trường là bố mẹ tôi phải bán bao nhiêu bao hành, tỏi. Hành, tỏi nhiều khi bán sớm không được giá nhưng bố mẹ tôi cũng đành vì còn biết bán gì ra tiền để cho tôi mang lên trường ăn học. Mỗi lần cầm số tiền đó lòng tôi quặt thắt lại, chỉ muốn nhanh đi làm có thể kiếm được tiền để bố mẹ không phải phụ cấp nữa. Hành, tỏi cũng đã xuất hiện trong những gói quà gửi lên thầy cô, bè bạn và ai nấy cũng tấm tắc khen hành, tỏi Kinh Môn có vị cay, nồng, đậm khác biệt so với hành, tỏi khu vực khác.
Giờ đây, khi gõ những dòng chữ này thì thành phố đã chìm trong giấc ngủ, còn tôi thì vẫn đang mơ màng đến những luống hành, luống tỏi xanh tốt; đến những gương mặt rạng ngời của những người nông dân “hai sương một nắng” nơi quê nhà. Hành, tỏi hôm nay đã có chất lượng hơn, giá cả cao hơn, đã định vị là “thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” nhưng cuộc sống gia đình tôi đã có những biến cố, có những đổi khác. Bố tôi - người nông dân chịu thương, chịu khó phay từng hòn đất, còng lưng gánh những gánh hành, tỏi nặng trĩu - đã trở thành người thiên cổ. Mẹ tôi - người phụ nữ ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bên những luống hành, tỏi - đã không còn bận tâm việc đồng áng nữa, bởi bà đã lên Hà Nội sống với tôi.
Nhớ về cây hành, cây tỏi là nhớ về một thời ký ức trong tôi và tôi thầm cảm ơn nó đã cho tôi thêm trân trọng cuộc sống, trân trọng giá trị của sức lao động.