Thấp thỏm chờ vải thiều Thanh Hà ra hoa, đậu quả
Thời tiết thất thường ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành và phát triển của hoa vải, nhất là cây vải thiều chính vụ. Vải sớm hy vọng được mùa nhưng người trồng vải Thanh Hà (Hải Dương) đang nín thở chờ vải thiều chính vụ ra hoa, đậu quả.
Hy vọng vào vải sớm
Những ngày này về các xã khu Hà Đông của huyện Thanh Hà nhìn vườn hoa vải như những mâm xôi khổng lồ. Ông Phạm Huy Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) trồng 2 mẫu vải sớm gồm u trứng trắng, u trứng gai, u hồng, tàu lai. Tỷ lệ ra hoa đạt trung bình 80%. Riêng giống vải u trứng trắng đã nở hoa cái, nhiều cây đã đậu quả. Mặc dù năm nay giống vải này đậu quả muộn hơn khoảng 10-15 ngày do gặp rét đậm, rét hại, song tỷ lệ đậu quả lại cao hơn so với năm trước. "Vải sớm thường được giá cao, như năm ngoái có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg. Năm nay nếu đầu ra thuận lợi, chỉ riêng diện tích vải u trứng trắng nhà tôi cũng dự kiến thu khoảng 300 triệu đồng", ông Nhuận nói.
Cùng ở thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập, nhưng vườn vải sớm của gia đình ông Vũ Văn Nhuận được đánh giá đẹp nhất vùng do có kinh nghiệm trồng và chăm sóc vải nhiều năm. Mỗi loại vải được ông Nhuận trồng riêng biệt với tổng diện tích 2,7 mẫu. Ông Nhuận chia sẻ: "Mưa phùn và rét đậm như mấy hôm nay nếu hoa đã thụ phấn và hình thành quả sẽ không ảnh hưởng nhiều, chỉ phát triển chậm lại. Tôi đang phun thuốc phòng giòi đục quả non vì vải nhà tôi hoa nở trội, đều, nhiều diện tích đạt gần 100% nên thu hút một số loại sâu xung quanh. Thời tiết nồm ẩm giai đoạn trước tôi đã phun phòng bằng dung dịch Bordeaux để trừ nấm sương mai, nếu không xử lý bằng dung dịch này thì hoa vải bị mốc sương cháy hết".
Năm nay, huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải, trong đó có 1.700 ha vải sớm, chiếm 52% diện tích, được trồng chủ yếu tại xã Thanh Quang và khu Hà Đông. Trà vải sớm tập trung nở hoa, đậu quả từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, trà vải thiều chính vụ tập trung nở hoa, đậu quả từ nửa cuối tháng 3.
Nín thở chờ mong
Kỳ vọng trúng vụ vải sớm bao nhiêu thì người trồng vải Thanh Hà lại đang thấp thỏm, lo lắng cho vải thiều chính vụ bấy nhiêu. Bởi đến thời điểm này nhiều diện tích vải thiều vẫn im lìm.
Theo kinh nghiệm của người trồng vải, cây vải thiều ưa rét khô để vải phân hóa mầm hoa, nhưng phải đúng thời điểm vào giai đoạn trước lập xuân. Đến khoảng 20 tháng giêng vải đã ra hoa rộ. Còn rét đậm, mưa ẩm thời điểm này đã quá muộn và không phù hợp cho cây vải thiều.
Hơn 1 mẫu vải thiều của gia đình bà Nguyễn Thị Gái ở xóm 3, xã Thanh Xá (Thanh Hà) cũng chưa cây nào có dấu hiệu nở hoa, mặc dù lá vải rất xanh. Bà Gái cho biết: "Chưa năm nào như năm nay, cứ ngậm tăm, lộc không ra lộc, hoa không ra hoa. Tôi kiểm tra thấy nó cứ thâm lại. Như mọi năm đến thời điểm này trứng ếch đã trắng tinh rồi. Nguyên nhân do thời tiết, tháng chạp có rét đậm, hanh khô nhưng chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Nhiệt độ ban ngày cao cũng khiến vải khó phân hóa mầm hoa".
Đây là tình trạng chung của nhiều vườn vải thiều ở các xã Thanh Xá, Thanh Thủy (Thanh Hà). Ông Nguyễn Văn Thìn ở xóm 3, xã Thanh Xá cho biết một số diện tích vải thiều đã ra hoa xen lộc, nhưng tỷ lệ hoa không nhiều, khó xử lý lộc. Với những cây vải thiều còi cọc năm trước thì năm nay đã ra hoa dài.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, nửa đầu tháng 3 này vẫn còn rét đậm, rét hại và mưa phùn. Kiểu thời tiết này càng khiến người trồng vải thiều Thanh Hà thấp thỏm.