Ký ức cầu Phú Lương cũ
Cầu Phú Lương cũ (TP Hải Dương) bắc qua sông Thái Bình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Từng là nơi sầm uất, nhộn nhịp, nhiều người mưu sinh nhờ cây cầu này nên với họ cầu Phú Lương là một phần ký ức khó phai.
Mưu sinh bên cầu
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, cầu Phú Lương là cây cầu huyết mạch duy nhất kết nối đôi bờ sông Thái Bình ở thị xã Hải Dương. Xe cộ đi từ Hà Nội qua Hải Dương để về Hải Phòng hay ngược lại đều phải qua cầu Phú Lương. Cả ô tô, xe máy, xe đạp và tàu hỏa đều đi chung cây cầu này. Làn giữa to nhất của cầu dành cho tàu hỏa và ô tô. Mặt cầu cũng không rộng nên hai xe ô tô không thể tránh nhau. Vì vậy những năm đó, việc tắc cầu Phú Lương xảy ra như cơm bữa. Vào những giờ tàu chạy, cả hai bên đầu cầu đều dừng lại để nhường tàu hỏa khiến cho thời gian chờ cầu thông càng dài… Trong ký ức của tôi, có những lần đoàn xe ô tô tắc dài đến hơn một cây số. Cũng vì tắc cầu nên hai khu đầu cầu đều có nhiều hàng quán giải khát, ăn uống mọc lên… Hai bên đầu cầu trở thành nơi mưu sinh của rất nhiều người. Người bán nước giải khát, người bán bánh kẹo, có người mở hàng ăn để phục vụ những người đi xe khách, xe chở hàng đường dài. Ngoài những hộ mở sạp hàng còn có nhiều người ở những nơi khác tới đây buôn bán. Nhiều người quen gọi họ là đội quân buôn thúng bởi toàn bộ hàng hóa của họ đều đựng trong một chiếc thúng. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh các chị, các cô tay bưng thúng với đủ mặt hàng như bánh trái, nước ngọt, đồ ăn, chân thoăn thoắt chèo lên các xe khách mời chào.
Bà Đỗ Thị Thảo, ở xóm Phú Bình, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) là một trong những người bán hàng thời đó. Những năm 90, khi ấy mới ngoài 20 tuổi, ngày nào bà Thảo cũng chuẩn bị một thúng hàng với nhiều đồ ăn sẵn từ hoa quả gọt sẵn, sắt miếng, mía, khoai, sắn, ngô được chia thành túi nhỏ bán cho khách. “Mọi người chờ cầu thông thường rất lâu nên chúng tôi tranh thủ bán đồ ăn vặt. Có hôm đông xe, đường tắc lâu bán hàng chạy lắm. Ngày ấy chỉ cần bán hết một thúng hàng là tôi đủ tiền chợ búa cả ngày. Những lúc xe thông, cả chục chị em đội bán hàng lại túm tụm ngồi vừa chuyện trò, vừa chuẩn bị hàng chờ đợt tắc cầu tiếp theo”, bà Thảo nhớ lại.
Tôi sinh ra và lớn lên ở đầu cầu bên này thành phố, nên cả tuổi thơ tôi gắn liền với cầu Phú Lương cũ. Mẹ tôi cũng mở một cửa hàng giải khát nhỏ phục vụ khách qua đường với đủ thứ từ bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt... Vào mùa hè, mẹ tôi còn nấu thêm nồi chè đỗ đen, mua thêm vài buồng dừa để bán.
Cánh đàn ông thì làm các dịch vụ khác như xe ôm, bán vé số, đánh giầy. Cách 2-3 nhà lại có 1 bác xe ôm đứng ghé vào các nhà có hàng giải khát. Tôi còn nhớ chú chạy xe ôm tên Nam thường đứng nép gần quán của mẹ tôi. Ngày đó chưa có công nghệ và điện thoại để gọi xe tiện lợi như bây giờ nên khách lạ tới đây có việc gì cũng đều vào hỏi chủ quán nước. Mỗi khi có người vào quán hỏi xe ôm là chú Nam lại được mẹ tôi giới thiệu… Tuy buôn bán nhưng điều quý là mọi người sẵn sàng san sẻ cho nhau cơ hội bán hàng. Người nào nhỡ hàng thì người kia cho mượn, người nào không đủ tiền lẻ trả lại khách thì được người kia cho vay… Cứ thế, cuộc sống của không ít gia đình bớt khó khăn hơn nhờ mưu sinh bên cầu.
Cây cầu đặc biệt
Cầu Phú Lương được làm bằng sắt dài 380m. Ngoài làn giữa dành cho tàu hỏa, hai bên có làn cho xe máy, xe đạp, người đi bộ. Điều đặc biệt ở cây cầu này chính là mặt cầu ở làn dành cho xe cơ giới được ghép bằng nhiều tấm gỗ. Không ít người lần đầu đi qua cầu này đã tưởng mình đang tham gia trò chơi mạo hiểm. Bởi trên cầu có nhiều chỗ ghép các tấm gỗ không khít tạo thành khe hở nhìn rõ xuống sông. Kèm theo tiếng “cạch, cạch” phát ra mỗi khi xe chạy qua dễ khiến cho những người yếu tim phải run sợ. Còn với những đứa trẻ lớn lên hai bên đầu cầu thì việc ung dung đi bộ qua cầu cũng trở thành thước đo của lòng dũng cảm.
Vì là cây cầu huyết mạch, nên lượng người và xe qua cầu này rất lớn. Cũng vì thế mà đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra ở khu vực này. Bà Phạm Thị An, 66 tuổi, ở khu 5 phường Ngọc Châu đã hơn 50 năm sống ở đầu cầu này và từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Trong số những vụ tai nạn ấy, đến giờ bà An vẫn không thể nào quên vụ tai nạn khiến vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh cùng con trai ra đi mãi mãi. Đó là vụ tai nạn xảy ra ngày 29/8/1988. “Ngày ấy khi đang sắp xếp bán hàng, tôi nghe thấy mọi người xung quanh hô có vụ tai nạn ghê lắm. Tôi chạy ra xem thì thấy một cảnh tượng thật sự rất kinh hoàng, ba xe đâm nối đuôi nhau, xe ở giữa bẹp dúm, có người khóc, người ngất… Mọi người cũng nhanh chóng đưa người bị thương đi bệnh viện, hỏi han tình hình… Sau đó tôi mới biết, ba người thiệt mạng trong vụ tai nạn đó là vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhìn rất xót xa và ám ảnh”, bà An nhớ lại.
Cuối năm 1996, cây cầu Phú Lương mới chính thức được thông xe, từ đó nhiệm vụ của cầu Phú Lương cũ cũng nhẹ nhàng hơn. Cầu chủ yếu dành cho tàu hỏa và hai làn cầu hai bên dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ.
Từ ngày có cầu mới, việc lưu thông của mọi người thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn. Những người buôn bán dựa vào cầu cũ để mưu sinh cũng đã tìm việc khác, không còn cảnh sầm uất, tắc đường... như xưa. Nhưng tôi tin không chỉ với tôi mà với nhiều người, ấn tượng về cây cầu già này sẽ mãi mãi khắc ghi. Hy vọng một ngày gần đây, nó không chỉ là cây cầu đường sắt mà sẽ được xem như địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ…