Hải Dương lập "hàng rào" ngăn dịch bệnh tấn công trẻ
Mùa xuân thời tiết thường xuyên mưa phùn, nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Chủ động lập "hàng rào", ngăn dịch bệnh tấn công trẻ là việc cần quan tâm.
Nhiều bệnh xuất hiện cùng lúc
Từ đầu năm đến nay, Hải Dương ghi nhận hàng trăm trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ tính riêng trong tháng 1, toàn tỉnh có 127 trẻ mắc tiêu chảy, 11 ca mắc sốt xuất huyết, 68 trường hợp viêm não, 86 ca mắc Covid-19, 482 trẻ mắc cúm A... 2 ổ dịch thuỷ đậu xuất hiện ở Trường Tiểu học xã Phạm Trấn (Gia Lộc) và Trường Tiểu học xã Thanh Lang (Thanh Hà) với trên 50 ca bệnh đã được khống chế.
Một số nhà quản lý y tế nhận định, nhiều loại bệnh truyền nhiễm mùa xuân năm nay xuất hiện cùng lúc, số lượng trẻ mắc bệnh nhiều hơn năm ngoái. Những ngày cao điểm, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương tiếp nhận 50 trẻ mắc một số bệnh truyền nhiễm vào điều trị nội trú. Hiện mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận từ 5-10 trường hợp. Đó là còn chưa tính số trẻ mắc bệnh điều trị tại Trung tâm Y tế cấp huyện và điều trị tại nhà.
Tại các cơ sở y tế, ngay từ đầu năm nay đã có nhiều trẻ mắc Covid-19 hơn năm ngoái. Dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, thuỷ đậu... vẫn đang âm thầm gây bệnh rải rác ở các địa phương.
Hải Dương vẫn đang kiểm soát tốt các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, với việc cùng lúc có nhiều dịch bệnh xuất hiện, lưu hành cũng gây nên tâm lý e ngại với nhiều người. Chị Phạm Thị Ly (sinh năm 1994, ở huyện Bình Giang) có con 14 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết: "Cháu sốt, ho dai dẳng, cắt sốt rồi nhưng lại sốt kéo dài nhiều ngày nên gia đình khá lo lắng. Để lâu sợ cháu gặp biến chứng nên gia đình đã phải đưa cháu vào viện ngay".
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết trẻ em dưới 5 tuổi sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Thời tiết hiện nay nồm ẩm, thay đổi liên tục càng khiến trẻ dễ bị vi khuẩn, virus có hại tấn công gây bệnh. Những trẻ mắc bệnh thường do chưa tiêm phòng đầy đủ. Mầm bệnh lại có ở mọi nơi. Nhiều trẻ đang trong giai đoạn ủ bệnh nhưng cha mẹ không biết. Khi đến trường, các em tiếp xúc với nhiều bạn khiến virus gây bệnh phát tán...
Một số bệnh truyền nhiễm có thể điều trị bằng thuốc đặc hiệu như kháng sinh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây khó khăn trong quá trình điều trị, ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ của trẻ nhỏ, nguy cơ bị biến chứng nặng, tử vong là rất cao. "Không ít cha mẹ thiếu kiến thức chăm sóc trẻ, tự ý mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Đây là điều không nên vì có thể khiến bệnh tình của trẻ trở nên nghiêm trọng. Khi con có các biểu hiện bất thường về sức khoẻ, cha mẹ cần đưa ngay tới bệnh viện", bác sĩ Nhàn lưu ý.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Huỳnh cho biết đã đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chủ động phát hiện, giám sát các loại dịch bệnh truyền nhiễm tại cơ sở.
"Chúng tôi yêu cầu các đơn vị khi xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm cần thực hiện khoanh vùng, triển khai các biện pháp ngăn dịch cả ở những địa phương lân cận. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch bệnh trong nhân dân, nhất là ngăn dịch tấn công trẻ nhỏ", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Ý thức phòng chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ đã và đang được nhiều cha mẹ, nhà trường quan tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết trường định kỳ tổ chức vệ sinh, tẩy rửa sân trường, sàn nhà lớp học, đồ dùng, đồ chơi của trẻ hằng ngày. Mỗi trẻ có cốc uống nước, khăn mặt riêng và được khử trùng bằng nước sôi trước khi sử dụng. “Chúng tôi lưu ý cha mẹ cần cho con mặc đủ ấm khi đến lớp. Bữa ăn hằng ngày cho trẻ được trường bảo đảm đủ chất dinh dưỡng. Trường khuyến cáo cha mẹ cho trẻ mắc bệnh nghỉ học tại nhà”, chị Trang thông tin.
Chị Lê Thị Thanh Huệ ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) khá lo lắng khi nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện. Do đó, chị thường xuyên đọc báo, truy cập internet để tìm hiểu phương pháp phòng bệnh cho 2 con nhỏ. “Tôi chuẩn bị bữa ăn có đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin cho các con. Các cháu được rèn thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Nhà cửa, quần áo, đồ dùng, đồ chơi của các cháu cũng được tôi quan tâm vệ sinh sạch sẽ. Tôi hạn chế cho con tiếp xúc nơi đông người. Phòng bệnh luôn tốt hơn là chữa bệnh", chị Huệ nói.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho con tiêm chủng đầy đủ. Đây là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng nếu không may mắc bệnh. Chủ động liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời hoặc đưa con ngay đến cơ sở y tế để được chữa trị nếu mắc bệnh. Việc tự ý mua thuốc điều trị cho con tại nhà có thể gây ra những hệ quả xấu.