Tiện lợi dịch vụ làm mâm lễ tại di tích ở Hải Dương
Thay vì phải “tay xách nách mang” đồ đạc, hương hoa, lễ mặn từ nhà, du khách đi lễ một số đền, chùa ở Hải Dương năm nay sẽ có mâm lễ đẹp, ý nghĩa nhờ tổ dịch vụ sắm lễ ngay tại các khu di tích.
Chỉ cần "A lô" là có lễ
Anh Phạm Văn Hoàn, ở Hải Phòng cho biết: “Cứ sau Tết là gia đình tôi lại về đền Kiếp Bạc làm lễ. Trước đây chúng tôi tự sửa soạn đồ lễ ở nhà mang đi, khi đến đền thì gà, xôi đều nguội ngắt, hoa quả có lúc bị dập. Vì thế năm nay tôi quyết định đặt lễ tại một nhà ngay cạnh đền”.
Khách gần đến nơi sẽ gọi điện cho chủ nhà chuẩn bị đồ lễ. Gà, xôi đều nóng hổi, trầu cau, hoa quả được xếp gọn gàng, đẹp đẽ trên mâm dâng lên đền. Ông Nguyễn Văn Khôi, một du khách ở Hưng Yên về lễ chùa Côn Sơn cho biết giờ về lễ chùa không phải lỉnh kỉnh đồ đạc như trước. “Chỉ cần một cuộc gọi là đến nơi có sẵn đồ vào lễ. Trước đây mỗi lần chuẩn bị sắm lễ là cứ quên cái nọ cái kia”, ông Khôi nói.
Năm nay, chị Nguyễn Thị Đạm, chuyên nấu ăn tại khu di tích đền Cao An Phụ (Kinh Môn) nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mâm lễ đền. Làm việc nhiều năm tại khu di tích, chị Đạm là người khéo tay bày các mâm cỗ để thắp hương. Khách đến tham quan, chiêm bái thấy các mâm cỗ đẹp nên đã liên hệ nhờ chị làm mâm lễ khi đi đền. Theo chị Đạm, nhu cầu khách đặt làm sẵn mâm lễ ngày càng nhiều nhưng chị cũng chỉ nhận từ 3-5 đoàn trong ngày, vì chỉ có một mình, chị còn công việc của đền không mở rộng làm dịch vụ được.
Du khách, phật tử các nơi về di tích ở Hải Dương chỉ cần đưa ra những yêu cầu của mình, khi về đến nơi sẽ được mâm lễ như ý muốn. Không chỉ chuẩn bị mâm lễ chu đáo, đẹp đẽ, còn có người bưng bê đồ lễ giúp khách vào đền, chùa. Vì thế, phật tử đi lễ giờ đây cũng thong thả hơn trước.
Chuẩn bị cầu kỳ
Để có một mâm lễ đẹp, ưng ý khách hàng, người được thuê làm trước hết phải có tâm, không vì lợi nhuận mà làm qua loa. Ông Trần Xuân Cấn, nhà ở cổng sau đền Kiếp Bạc có kinh nghiệm hơn 30 năm làm dịch vụ cung cấp vàng mã và kiêm luôn làm mâm lễ chay, mặn cho khách. Theo ông Cấn, hương hoa, lễ vật dâng lên đức Phật, vua chúa và tướng lĩnh đều phải là đồ được chọn lựa kỹ càng. Hoa quả phải tươi, đẹp mã, đầy đủ. Còn lễ mặn có xôi, gà. Riêng gà làm lễ phải là loại gà ngon, khi luộc sẽ tạo thế đẹp. “Đồ lễ phải là đồ thanh tịnh. Chúng tôi làm trước hết vì cái tâm, sau là để khách hài lòng, mâm lễ đẹp với lòng thành dâng lên đền thì cầu mong vạn sự tốt lành sẽ thuận lợi hơn”, ông Cấn nói.
Vào mùa lễ hội như mùa xuân và mùa thu, có ngày gia đình ông Cấn nhận 20 đơn hàng từ khách thập phương, có người đặt lễ mặn, có người thì lễ chay. Có người đặt mâm lễ 500.000 đồng, có người tiền triệu, ông căn cứ vào số tiền để lựa đồ làm lễ nhưng cứ lên mâm là lễ nào cũng đẹp.
Tại Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có Phòng Du lịch - Dịch vụ nhiều năm nay cũng cung cấp mâm lễ đẹp, bắt mắt mang đặc trưng của địa phương. Đến tham quan lễ đền, chùa, phật tử đều tìm thấy sự hài lòng ở đây vì các mâm lễ có giá như thị trường bên ngoài chứ không đắt đỏ hơn. Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Trưởng Phòng Du lịch - Dịch vụ cho biết trong các mâm lễ, sản phẩm du lịch trà sen Kiếp Bạc được ưu tiên trưng bày như một điều đặc biệt dâng đền. Những người làm mâm lễ đều là nhân viên khéo tay, có kinh nghiệm sắp lễ nên phật tử, du khách rất yên tâm. Các nhân viên cũng không ngừng nâng cao tay nghề để phục vụ khách hàng chu đáo hơn.
Còn ở khu di tích đền Cao An Phụ chưa có các tổ dịch vụ sửa biện mâm lễ nhưng cũng có nhiều cá nhân nhận làm đồ lễ. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Kinh Môn cho biết nắm bắt được nhu cầu của du khách thập phương, đi lễ sẽ ngày càng hướng đến sự tiện lợi nên Ban Quản lý đã tích cực tuyên truyền cho các hộ kinh doanh dịch vụ làm lễ đền, chùa trước hết phải bảo đảm sự trang trọng trong các mâm lễ, không tăng giá “chặt chém” trong mùa lễ, hội, đặc biệt là dịp đầu xuân. Thông qua các mâm lễ phải quảng bá được sản phẩm du lịch, đặc trưng địa phương và đúng phong tục.