Nhiều nông dân Tứ Kỳ phất lên nhờ thương mại điện tử
Nhờ thương mại điện tử mà nhiều nông dân Tứ Kỳ (Hải Dương) đã mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Gần 1 năm nay, chị Phạm Thị Hoa, chủ cơ sở rươi cáy Điến Hoa ở thôn An Định, xã An Thanh đã quen với việc giao dịch trên các gian hàng thương mại điện tử. Nhờ các kênh này mà mặt hàng rươi, cáy của nhà chị được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến ngày càng nhiều.
Chị Hoa đã được các thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng huyện Tứ Kỳ tới tận nhà hướng dẫn cách thiết lập trang, quảng bá sản phẩm, tạo tài khoản thanh toán trên sàn thương mại như Voso, Postmart. Lúc cao điểm, mỗi ngày gia đình chị bán được từ 70-100 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, chiếm 50% số sản phẩm tiêu thụ của gia đình. Chị Hoa chia sẻ: “Bán hàng trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp chúng tôi thêm năng động, tiếp cận với công nghệ số, tìm kiếm thêm được nhiều khách hàng mới. Nhờ vậy, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn trước”.
Thông qua giới thiệu, cơ sở sản xuất thêu may Minh Tú ở xã Hưng Đạo đã biết đến sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Trước đây, khách hàng chủ yếu đến trực tiếp cơ sở tìm hiểu, mua hàng. Nhờ sàn thương mại điện tử, sản phẩm được quảng bá rộng rãi, tiêu thụ cũng ổn định hơn. Các bước đăng sản phẩm, chốt đơn hàng đến thanh toán đều được thực hiện nhanh chóng.
Đại diện cơ sở thêu may Minh Tú cho rằng việc bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử là cách để giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống giữa môi trường cạnh tranh thị trường hiện nay.
Đến nay, các tổ công nghệ số cộng đồng trong huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đưa 14 sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử. Đó là các sản phẩm OCOP, sản phẩm của làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như: tranh thêu Hòa Nhượng; túi, ví thêu Minh Tú; gạo Thanh Loan (cùng xã Hưng Đạo); mắm cáy Điến Hoa, gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông, niêu rươi đốt, chả rươi (cùng xã An Thanh), nấm sò, nấm mỡ, nấm hương, nấm đông trùng hạ thảo (cùng xã Quang Phục). Việc mở gian hàng chủ yếu trên sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel.
Để hỗ trợ các hộ xây dựng gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử, huyện Tứ Kỳ đã phát huy vai trò nòng cốt của tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn huyện hiện có 128 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và các thôn với 615 thành viên tham gia. Các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng đều được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ việc thiết lập, đăng ký tài khoản trên các sàn thương mại điện tử...
Dù đã phát huy hiệu quả nhưng việc tiêu thụ hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử vẫn còn một số hạn chế. Phương thức bán hàng này còn khá mới mẻ, trong khi nông dân lại có thói quen bán hàng qua các thương lái và các kênh truyền thống. Việc hướng dẫn, đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; còn lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng…
Theo ông Dương Hà Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, nhờ hỗ trợ từ phía chính quyền, sự nỗ lực của các chủ thể sản xuất, thương mại điện tử ở huyện Tứ Kỳ những năm gần đây có bước phát triển nhanh, giúp nhiều hộ dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Việc đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để quảng bá hình ảnh thương hiệu, đồng thời khẳng định giá trị, chất lượng của sản phẩm.
"Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho nông dân. UBND huyện sẽ phối hợp tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng tới mục tiêu “Mỗi hộ sản xuất nông nghiệp là một gian hàng số", ông Hải cho biết.