Những bác sĩ đặc biệt ở Hải Dương
Nhiều người gọi các y, bác sĩ tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương tại Chí Linh là những thầy thuốc đặc biệt. Họ tận tụy chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân từ bữa ăn đến giấc ngủ như những người thân trong gia đình.
Môi trường làm việc đặc biệt
Tiếng trống chèo rộn rã trên chương trình truyền hình khiến nhiều bệnh nhân ở Khoa Người có công của Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương háo hức lắng nghe. Họ ngồi im lặng, nền nếp như vậy nhưng các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý của trung tâm không dám rời mắt bởi chỉ nhãng đi một chút người bệnh có thể bỏ về phòng hoặc đi nơi khác và có những hành động khó kiểm soát, không lường hết được.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương cười vui bảo, môi trường làm việc của các y, bác sĩ ở đây khá đặc biệt bởi điều trị bệnh nhân bình thường đã vất vả, chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần còn khó hơn. Họ vừa phải là những bác sĩ chữa bệnh giỏi, vừa phải là những chuyên gia tâm lý, sẵn sàng bầu bạn, chia sẻ, gần gũi, thân thiết với bệnh nhân như những người thân trong gia đình.
Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương đang chăm sóc hơn 400 bệnh nhân. Phần lớn họ là những người có công và thân nhân người có công với cách mạng sa sút cả về thể chất và tinh thần. Nhiều người không tự chủ được sinh hoạt, các y, bác sĩ phải chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân hằng ngày. Ông Khánh cho biết thêm, bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện khác có người nhà hỗ trợ chăm sóc thì bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý ở đây phải kiêm nhiệm tất cả. Bệnh nhân đến đây không có người nhà đi kèm. Chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần cũng đòi hỏi người thầy thuốc phải có tinh thần “thép”, sự hy sinh, cống hiến cho nghề nghiệp của mình.
Bác sĩ Lê Thái Minh, Khoa Người có công cho biết mỗi người bệnh ở trung tâm có vết thương, bệnh tật khác nhau. Với những bệnh nhân tâm thần, chỉ khâu uống thuốc thôi cũng đòi hỏi các bác sĩ phải cẩn trọng. Không ít lần họ tìm cách trốn uống hoặc giả vờ uống. Có trường hợp tay cầm thuốc nhưng nếu bác sĩ không để ý họ sẽ tìm cách giấu vào tay áo, thậm chí uống xong tìm cách vào nhà vệ sinh móc họng, nôn ói để cho thuốc ra ngoài. Vì thế, mỗi lần cho bệnh nhân uống thuốc, nhân viên y tế ở đây phải ngồi hàng giờ quan sát, chờ bệnh nhân uống thuốc xong một thời gian mới có thể yên tâm ra ngoài.
Ấm áp tình người
Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương hiện có hơn 200 cán bộ, nhân viên thì 2/3 là các y, bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho những thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công hằng ngày.
Mặc dù môi trường làm việc vất vả và đặc thù nhưng nơi đây đã thu hút được không ít bác sĩ trẻ về công tác.
Bác sĩ Trần Thành Trung cho biết ngay từ nhỏ anh đã theo mẹ đến trung tâm và được tiếp xúc với những bệnh nhân ở đây. Nhìn những ánh mắt vô hồn, cơn la hét, đập phá đồ đạc của bệnh nhân ban đầu anh cũng thấy sợ nhưng khi thấy mẹ vỗ về, an ủi, họ dần ổn định tinh thần. Nhiều người dần bình phục coi mẹ anh như người thân trong gia đình nên anh rất cảm phục mẹ và các y, bác sĩ ở đây. Vì thế, sau nhiều năm cố gắng học hành, năm 2015, bác sĩ Trung về Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công làm việc.
Với tấm lòng nhân ái, lương y như từ mẫu, bác sĩ Trung cùng nhiều đồng nghiệp luôn hết lòng chăm sóc cho những bệnh nhân nơi đây. Họ ân cần, hỗ trợ bệnh nhân điều trị bệnh, luôn sẵn lòng trò chuyện, chia sẻ giúp bệnh nhân vơi đi những đau đớn của bệnh tật, tinh thần, từ đó giúp họ điều trị bệnh tốt hơn.
Tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công Hải Dương có rất nhiều thương binh, bệnh binh đã từng vào sinh, ra tử nơi chiến trường. Họ dành cả thanh xuân để chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Khi đất nước được bình yên, họ lại mang trên mình vết thương tinh thần phải điều trị lâu dài. Nhiều người vào trung tâm điều trị 30 năm nay, không người thân thích. Vì vậy, họ coi các y, bác sĩ ở đây như những người thân của mình. Anh Nguyễn Văn Tuyền ở thị trấn Thanh Miện đến thăm người nhà đang điều trị, chăm sóc tại trung tâm cho biết: “Ở đây, các bác sĩ điều trị, chăm sóc bệnh nhân còn tốt hơn ở nhà. Người thân của tôi ăn ngủ điều độ, được chăm sóc chu đáo nên sức khỏe tốt hơn”.
Chăm sóc những bệnh nhân tâm thần tuy vất vả nhưng nhờ sự hy sinh, thấu hiểu và biết ơn mà các y, bác sĩ tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tận tụy như những người thân trong gia đình. Sự hy sinh và cống hiến đó của họ thật đáng trân trọng.