Bà Trương Mỹ Lan bị kê biên, thu giữ tài sản "khủng" cỡ nào?
Để giải quyết, khắc phục hậu quả vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã kê biên lượng tài sản đặc biệt lớn liên quan đến hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác.
Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) từ ngày 5/3 và dự kiến kéo dài đến ngày 29/4.
Quá trình điều tra, truy tố vụ án này, cơ quan điều tra đã cưỡng chế nhiều tài sản có giá trị đặc biệt lớn của các bị cáo. Những vật chứng này sẽ được tòa án giải quyết trong quá trình xét xử.
Liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác phạm tội tham ô, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã tạm giữ, phong tỏa nhiều tài sản.
Về tiền, trong giai đoạn điều tra đã thu giữ 590 tỉ đồng và 15 triệu USD. Đây là tiền thu giữ của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu của Trương Mỹ Lan), tiền liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng một số dự án bất động sản, tiền Lan giao cho người khác giữ và tiền gia đình các bị cáo nộp khắc phục hậu quả.
Đến giai đoạn truy tố, cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra còn phong tỏa của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm 42 tài khoản mở tại các ngân hàng với tổng số tiền gần 1.900 tỉ đồng và 8,5 triệu USD.
Về bất động sản, có 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).
Cơ quan điều tra cũng đã kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị can Trương Mỹ Lan; 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của 7 bị can khác; kê biên 8 bất động sản tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.
Đối với 143 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, UBND tỉnh đề nghị được nhận lại 143 giấy chứng nhận này để bố trí tái định cư cho 37 hộ dân chưa nhận nền đất và các hộ dân tại các dự án khác trên địa bàn huyện Tân Trụ. Đồng thời, chuyển số tiền Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An được nhận khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền, cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân tái định cư để khắc phục hậu quả cho Trương Mỹ Lan.
Ngăn chặn giao dịch của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương đối với 9 tài khoản Ngân hàng SCB với tổng số tiền là 790 tỉ đồng.
Về cổ phần tại Ngân hàng SCB và các công ty liên quan: cơ quan điều tra đã kê biên 858 triệu cổ phần SCB của Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ Lan.
Kê biên 138 triệu cổ phần của 5 công ty gồm: Công ty CP Vận tải hàng không Miền Nam; Công ty CP đầu tư Satsco Miền Bắc; Công ty CP đầu tư hàng không Satsco - Phú Quốc; Công ty CP địa ốc Đông Á; Công ty CP T&H Hạ Long. Ngăn chặn 14.000 cổ phần Công ty CP Tư vấn dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC của Đỗ Xuân Nam.
Ngoài ra, 22 tài sản khác cũng bị kê biên là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân do các công ty đứng tên.
Liên quan đến các bị cáo phạm tội đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Trong giai đoạn điều tra, truy tố đã thu giữ tổng cộng 25 tỉ đồng và 5,3 triệu USD vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả cho các bị cáo.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ 10 sổ tiết kiệm có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng, 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Liên quan đến bị cáo Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Công ty Capella): đã thu giữ tiền mặt khi khám xét người, nơi làm việc tổng số tiền gần 94 tỉ đồng.
Gia đình bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp khắc phục 640 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra cũng đã kê biên 7 bất động sản liên quan.
Theo hồ sơ, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% - 91,5% cổ phần), qua đó thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Kết quả điều tra xác định, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỉ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.400 tỉ đồng.