Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng hướng dẫn xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao tại Báo Hải Dương
Ngày 23/2, nhà báo Đỗ Doãn Hoãng, một cây bút phóng sự điều tra tài năng, nổi tiếng của Việt Nam đã đến giảng dạy, chủ trì buổi tập huấn tại Báo Hải Dương với chủ đề “Làm báo và xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao”.
Trong 1 ngày, thông qua kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã truyền thụ nhiều câu chuyện, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ bổ ích, sinh động trong xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao, nhất là các bài phóng sự điều tra.
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, để có tác phẩm chất lượng cao, trước hết mỗi nhà báo phải cần có tình yêu, đam mê nghề nghiệp, trân trọng và thực sự nghiêm túc với nghề. Mỗi người cần quyết tâm trở thành chuyên gia ở từng lĩnh vực, viết được nhiều tác phẩm hay, tôn trọng độc giả, khán giả. Tác phẩm báo chí cần giúp ích cho cộng đồng, xã hội, góp phần giải quyết những vấn bức thiết của cuộc sống. Chọn được đề tài độc quyền, có tầm, có ảnh hưởng tới cộng đồng. Sau khi có đề tài, các tác giả cần đầu tư công sức thu thập thông tin (kỹ năng nhập vai, sử dụng thiết bị…). Trong quá trình tác nghiệp, phải quyết tâm mở rộng điều tra, đưa vấn đề xứng tầm và làm đến tận cùng. Không chỉ nêu thực trạng, những tác phẩm hay cần đưa ra hướng giải quyết vấn đề, thúc đẩy cơ quan chức năng vào cuộc và phản ánh tiếng nói của các bên liên quan trên báo.
Ngoài nội dung, chủ đề của tác phẩm thì hình thức thể hiện cũng rất quan trọng. Những tác phẩm hay có hình thức thể hiện hấp dẫn, sinh động, từ ảnh, tít, đến cách dùng từ, hành văn… Việc trình bày, bố trí tác phẩm phải chỉn chu tới từng chi tiết. Sau khi tác phẩm được đăng tải, cơ quan báo chí nên tổ chức các sự kiện, hoạt động bên lề để lan tỏa cho bài viết …
Thông qua hình thức hỏi đáp, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên liên quan tới đam mê nghề nghiệp, kinh nghiệm để đoạt giải cao ở Giải báo chí quốc gia, cách phát hiện đề tài, cách sử dụng các chi tiết, kỹ thuật điều tra…
Theo cây bút phóng sự nổi tiếng của Việt Nam, bí quyết để yêu nghề là tu dưỡng tâm hồn của mình, đừng để vấy bẩn bởi tham, sân, si; phải đọc sách để làm báo hay. Các đề tài hay luôn bắt nguồn từ tâm huyết của nhà báo, từ cuộc sống. Mỗi nhà báo, phóng viên phải nhạy cảm, lắng nghe cuộc sống, giống như ăng-ten thu thập thông tin để xây dựng tác phẩm báo chí. Muốn tăng sức cạnh tranh cho tác phẩm khi dự Giải báo chí quốc gia, mỗi cơ quan báo chí, nhà báo cần quan tâm chọn đề tài độc quyền, mang tầm quốc gia; đưa tác phẩm lên nhiều nền tảng; mở rộng đối tượng người đọc; tạo dựng cơ chế cho đội ngũ làm tác phẩm chất lượng cao; xây dựng được những cây bút tài giỏi…
Phát biểu tại buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Quý Trọng, Tổng Biên tập Báo Hải Dương bày tỏ vui mừng khi được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng dành thời gian để hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm trong làm báo, nhất là việc xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao, tác phẩm phóng sự điều tra cho Báo Hải Dương.
Đồng chí Nguyễn Quý Trọng đề nghị các đồng chí cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên tích cực học tập, trao đổi, khám phá phong cách làm báo Đỗ Doãn Hoàng, vốn được nhiều người quan tâm, nghiên cứu để tích cực áp dụng vào thực tiễn tác nghiệp.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976 tại Hà Nội, có gần 30 năm làm báo, từng 6 lần đoạt Giải báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng cao ở các giải báo chí khác. Các tác phẩm phóng sự điều tra của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi giàu tính chiến đấu, vạch trần nhiều vấn đề tiêu cực trong đời sống, có giá trị nhân văn sâu sắc.