Đời sống văn hóa

Hải Dương hòa nhịp thơ ca cùng đất nước

LAN ANH 23/02/2024 14:31

Ngày 23/2 (14 tháng giêng), Hội Văn học nghệ thuật và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Hải Dương hòa âm cùng đất nước”.

img_2417.jpg
Nhiều bài thơ được phổ nhạc và biểu diễn hấp dẫn

Tại Ngày Thơ năm nay, người yêu thơ được thưởng thức gần 30 tác phẩm của các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và các tác giả đang sinh hoạt tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, các câu lạc bộ thơ trong tỉnh và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.

img_2431-2bba63a3af78a3061fae021d047d8eed.jpg
Hội viên trình bày tác phẩm thơ

Các bài thơ, ca khúc được phổ nhạc từ những bài thơ tiêu biểu được trình diễn tại chương trình ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, Bác Hồ, mùa xuân...

img_2428.jpg
Nhiều người cao tuổi tới giao lưu nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 được Hải Dương tổ chức công phu nhằm giới thiệu, quảng bá truyền thống văn hiến của đất và người Hải Dương qua sáng tác thơ; tôn vinh các giá trị thi ca Việt Nam. Chương trình cũng động viên, khích lệ các nhà thơ nói riêng và đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, phát triển nhiều tác phẩm thơ ca phục vụ nhu cầu của bạn đọc trong tỉnh.

img_2415.jpg
Các em nhỏ của Trường Mầm non Sao Biển tham gia biểu diễn trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22

Tại Hải Dương, thơ đang ngày càng gắn bó và thấm sâu vào đời sống.

Hiện nay, tại các địa phương của Hải Dương đều có những câu lạc bộ thơ với nhiều thành viên sinh hoạt, tiêu biểu như Câu lạc bộ Thơ Đường An (Bình Giang), Câu lạc bộ Thơ Chí Linh (Chí Linh), Câu lạc bộ Thơ lục bát Hải Dương, Câu lạc bộ Thời gian xanh Tứ Kỳ… Nhiều sáng tác thơ của các tác giả Hải Dương được phổ nhạc đã nhanh chóng lan tỏa và được công chúng đón nhận.

Năm 1468, nhân dịp kinh lý vùng Đông Bắc, vua Lê Thánh Tông ghé vào chân núi Truyền Đăng, giáp với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vãn cảnh đề thơ. Xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vua đã ứng khẩu thành thơ và cho khắc bài thơ lên vách đá. Từ đây, núi Truyền Đăng thường được gọi là núi Bài Thơ. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử này, theo đề nghị của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, năm 1988, UBND tỉnh này quyết định lấy ngày 29/3 dương lịch hằng năm làm Ngày Thơ Quảng Ninh. Trước sức lan tỏa rộng rãi và ý nghĩa tốt đẹp mà Ngày Thơ Quảng Ninh mang lại, sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến chấp thuận của các ban, ngành, tại Kỳ họp thứ 8, khóa VII, ngày 26/12/2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày rằm tháng giêng hằng năm (ngày Tết Nguyên tiêu) làm Ngày Thơ Việt Nam.

LAN ANH