Cấp bách ngăn cháy rừng lan rộng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Đến 18 giờ ngày 20/2, Lào Cai vẫn đang tập trung triển khai các biện pháp cấp bách ngăn cháy rừng lan rộng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa).
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu UBND thị xã Sa Pa phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện phương án chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”; phân tích kỹ hiện trường, triển khai tích cực phương án chữa cháy rừng đảm bảo an toàn, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần, tiếp tế đủ thức ăn, nước uống cho lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy rừng tại thực địa.
Địa hình phức tạp, khu vực cháy nhiều vách đá, núi cao, đường đi khó khăn và gió lớn đã gây nhiều khó khăn trong bố trí lực lượng tiếp cận điểm cháy, chữa cháy. Đến 14 giờ ngày 20/2, qua thống kê sơ bộ, diện tích đám cháy khoảng 25 ha (chủ yếu là rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì).
Do điểm cháy khu vực Na Háng hướng đi thôn Dền Thàng tiếp tục cháy lan rộng, trưa cùng ngày, tỉnh Lào Cai đã huy động bổ sung lực lượng lên đến gần 840 người (trong đó lực lượng trực tiếp là 640 người) tham gia chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Để chủ động trong công tác chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND thị xã Sa Pa khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, dụng cụ, lương thực, thực phẩm để tổ chức chữa cháy các điểm đang xảy ra cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên kịp thời, triệt để; đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tham gia chữa cháy. Trường hợp cần thiết, địa phương báo cáo UBND tỉnh để huy động lực lượng các sở, ngành, địa phương khác hỗ trợ.
Sa Pa tiếp tục giám sát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong đốt dọn nương và sản xuất trong nông nghiệp. Khi cảnh bảo cháy rừng ở cấp IV, cấp V, tuyệt đối không sử dụng lửa để xử lý thực bì, đốt dọn nương rẫy trong rừng và gần rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương khác trong tỉnh chủ động ứng phó, chữa cháy rừng trong mọi tình huống; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi để xảy ra cháy rừng mà không có các biện pháp xử lý kịp thời, triệt để. Các địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ (khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V) các ngày trong tuần (kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ) tại các trụ sở, chốt/trạm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, dễ cháy.
Các chủ rừng chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra cháy rừng mà không có các biện pháp xử lý kịp thời hoặc vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Trước đó, khoảng 13 giờ 40 phút ngày 19/2/2024, Vườn quốc gia Hoàng Liên nhận được tin báo của Trạm Kiểm lâm số 4, UBND xã Tả Van về vụ việc xảy ra điểm cháy rừng tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng, thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (cách Trạm kiểm lâm số 4, thôn Séo Mý Tỷ khoảng 5 km)
Ngay sau khi nhận được thông tin, thị xã Sa Pa đã huy động gần 400 người tiếp cận đám cháy dập lửa, khoanh vùng không để lan vào khu vực rừng già. Tuy nhiên, do điểm cháy nằm ở độ cao khoảng 1.900m so với mực nước biển, lớp thực bì dày, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, đám cháy đã nhanh chóng lan rộng.
Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 20/2, vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam rồi ổn định. Nền nhiệt các khu vực trong tỉnh vẫn trong tình trạng gia tăng, gió nóng khô Ô Quý Hồ tại Sa Pa hoạt động mạnh hơn. Tốc độ gió trung bình cấp 2 - 3, giật cấp 4. Khu vực trống trải cấp 3 - 4, giật trên cấp 5, độ ẩm trung bình ngày trong khoảng 45 - 50%.
Đợt gió này có khả năng kéo dài đến hết ngày 23/2.