Chen chân giành manh chiếu cầu may
Hàng trăm người chen lấn, giành giật manh chiếu qua khe cửa trong lễ hội Đúc Bụt ở đình Phù Liễn, huyện Tam Dương, sáng mùng 8 Tết.
Lễ hội Đúc Bụt tổ chức tại đình Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Nghi thức tế lễ bắt đầu lúc 10h30, kéo dài gần một tiếng, ngày 17/2.
Tương truyền, lễ hội nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Để tưởng nhớ công lao, dân làng đã lập Đền thờ bà và hàng năm tổ chức lễ hội diễn lại các tích xưa, trong đó có trò "Đúc Bụt".
Ba người đóng vai "Bụt sống" năm nay là Nguyễn Khương Duy (13 tuổi), Nguyễn Xuân Vinh (15 tuổi), Nguyễn Quang Trường (22 tuổi). Họ phải tuân theo những nguyên tắc nghiêm ngặt của xã, như gia đình đầy đủ cha mẹ, có văn hóa, ngoan ngoãn và chưa lập gia đình.
"Đây là lễ cầu đinh, nhiều gia đình ở các tỉnh khác tìm đến để xin manh chiếu", theo cụ Nguyễn Văn Di, 73 tuổi, Trưởng tiểu ban đình làng Phù Liễn nói.
Trên đường trở về đình, người dân quây kín, hò hét, sờ vào người Bụt để lấy may.
Ngay khi các Bụt về tới đình, cánh cửa đình đóng lại để hạn chế người dân không nhiệm vụ vào bên trong gây náo loạn. Lễ hội năm nay phải tăng cường 150 người để đảm bảo an ninh, an toàn.
Sau khi hoàn thành một số nghi thức, các "Bụt sống" được đưa về đền và chụp chiếu cói lên đầu, riêng Bụt ở giữa sẽ đặt thêm bó mạ non xanh trên đỉnh chiếu.
Trước kia, sau khi Bụt làm lễ xong, chiếc chiếu được ném ra sân để người dân giành giật. Nhưng từ năm trước phần tổ chức có nhiều thay đổi và lược bỏ bớt để phù hợp và đảm bảo thuần phong mỹ tục. Năm nay Ban tổ chức chuẩn bị 300 túi lộc để phát cho người dân.
Từng chiếc chiếu sau đó được ban tổ chức phân ra thành nhiều mảnh bên trong đình. Chiếu phải giật ra bằng tay, không dùng dao kéo. Tuy nhiên, ngay từ bên trong, cảnh giành giật này vẫn diễn ra.
"Gia đình tôi năm nào cũng tới đình dự hội sau đó chờ nhặt manh chiếu hoặc xin lộc cầu may mắn cho năm mới. Năm nay được phát lộc tận tay mà không phải chen lấn, tôi rất vui", chị Nguyễn Thị Thuỷ, 43 tuổi, người làng Phù Liễn nói.