Nhật Bản phóng tên lửa H3 thế hệ mới
Sáng 17/2, Nhật Bản đã phóng tên lửa H3 thế hệ mới, sự kiện tái khẳng định quyết tâm của Tokyo trong lĩnh vực vệ tinh vũ trụ đầy cạnh tranh.
Theo thông báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), tên lửa H3 số 2 được phóng đi vào khoảng 9 giờ 22 phút (giờ địa phương) từ Trung tâm Vũ trụ Tanegeshima thuộc tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản. Tên lửa mang theo một vệ tinh kiểm định và 2 vệ tinh chức năng siêu nhỏ.
Đây là nỗ lực thứ hai của Nhật Bản để đưa tên lửa H3 lên quỹ đạo. Trong vụ phóng đầu tiên diễn ra tháng 3/2023, chế độ tự hủy đã được kích hoạt sau ít phút tên lửa được phóng đi vì động cơ giai đoạn 2 của tên lửa hoạt động không như tính toán. Trước đó, JAXA cũng đã phải hủy kế hoạch phóng thử H3 do có ít nhất một động cơ đẩy của tên lửa không kích hoạt mặc dù động cơ chính đã hoạt động.
Tên lửa H3 là thế hệ tiếp nối của H2A. Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển thành công H3 để sử dụng không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò mà còn để tham gia các nhiệm vụ đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Ước tính chi phí chế tạo 1 tên lửa H3 là 5 tỷ yen (37 triệu USD), chỉ bằng 1 nửa so với chi phí chế tạo H2A, nhưng lại có năng lực phóng vệ tinh cao hơn 1,3 lần. Tên lửa H2A của Nhật Bản được đưa vào khai thác từ năm 2001, có tỷ lệ phóng thành công là 97,8%.